Nếu nhìn hình ảnh 2 con rắn dưới đây, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một loài rắn. Thế nhưng, một trong hai con rắn này lại có nọc độc có thể gây chết người, trong khi con rắn còn lại lại hoàn toàn vô hại.
Liệu bạn có thể đoán ra con rắn bên trái hay bên phải là con rắn độc hay không?
Con rắn nào có độc? Ảnh: Thành Luân
Hai con rắn trên thoạt nhìn rất giống nhau về cả màu sắc và các khoang đen trên cơ thể rắn, do đó nếu không cẩn thận thì có thể sẽ bị nhầm lẫn giữa chúng và hậu quả lúc đó sẽ là 'sai một li đi một dặm'.
Thực tế, hiện tượng rắn không độc bắt chước hoa văn của rắn độc là điều không hiếm trong tự nhiên. Đây cũng là cách giúp những loài rắn không có độc sinh tồn khi 'dựa hơi' vào danh tiếng của những con rắn nguy hiểm và đáng sợ.
Có thể lấy ví dụ như rắn vua có hoa văn và màu sắc giống rắn san hô cực độc, rắn sói giả dạng rắn cạp nia đen trắng, rắn hổ trâu có hoa văn trên thân khá giống hổ mang chúa...
Đáp án
Con rắn có độc mạnh trong hình trên chính là con rắn ở bên phải, đó là một con rắn san hô đầu bạc MacClelland (Tên khoa học: Sinomicrurus macclellandi); trong khi đó, con rắn ở bên trái chính là rắn khiếm vạch sọc đỏ (Tên khoa học: Oligodon arnensis) - không có nọc độc.
Phân biệt hai loài rắn giống nhau. Ảnh: Thành Luân
Đặc điểm đơn giản giúp phân biệt nhanh hai loài rắn này chính là phần đầu khác nhau: Rắn san hô đầu bạc có phần vạch trắng ở đầu trong khi rắn khiếm vạch sọc đỏ lại có hoa văn như một mũi tên đen sau đầu.
Cả hai đều là những loài rắn phân bố chủ yếu ở môi trường Nam và Đông Á nên rất dễ bị nhầm lẫn trong việc nhận dạng. Nếu chủ quan vì màu sắc cơ thể giống nhau thì sẽ vô cùng nguy hiểm khi rắn san hô có nọc độc mạnh.
Nọc độc của rắn san hô có thể giết chết một người do có độc tố thần kinh. Triệu chứng khi bị cắn là tê cứng môi, khó thở, khó phát âm, mắt mờ... Một số bệnh nhân đã nhanh chóng mất mạng do bị suy tim. Hiện nay, đa số các trường hợp ghi nhận được thường xuyên xảy ra ở Thái Lan.
https://soha.vn/cung-than-do-khoang-den-nhung-lai-co-loai-doc-tinh-chet-nguoi-diem-nhan-dang-khong-kho-20220307142303177.htm