Nga có thể tuyên bố “chiến thắng” ở Bakhmut
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đang ngày càng chịu sức ép về việc tuyên bố chiến thắng, đặc biệt là kiểm soát được thành phố quan trọng Bakhmut ở thời điểm tròn một năm kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh ngày 20/2 cho rằng, “bất chấp diễn biến thực địa”, lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ tuyên bố kiểm soát thành phố Bakhmut thuộc Donetsk vào dịp 24/2 tới. Theo báo cáo, các mũi tấn công Nga tiếp tục ở các hướng Ugledar, Kremina và Bakhmut ở miền Đông Ukraine, nhưng phía Nga vấp phải tổn thất nghiêm trọng. Dựa trên thông tin thương vong, tình báo Anh dự đoán các Lữ đoàn hải quân trên bộ (tương đương thủy quân lục chiến) số 155 và 40 của Nga đã bị vô hiệu hóa năng lực chiến đấu.
Binh sỹ Ukraine khai hỏa vào vị trí của Nga ở Bakhmut. Ảnh: AP
Trong khi đó Quan chức dân quân Donetsk thông báo lực lượng Nga đang khép vòng vây ở thành phố Bakhmut và sẽ sớm kiểm soát chảo lửa này.
“Các trận chiến đô thị đang diễn ra khốc liệt ở Bakhmut. Nếu nhìn vào bản đồ của các trận chiến đang diễn ra, thành phố này đang bị khép vòng vây và bị bao vây một nửa”, ông Yan Gagin, chuyên gia chính trị - quân sự kiêm cố vấn cho người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết ngày 20/2.
Theo ông Gagin cho biết quân đội Nga đang chuẩn bị cho các đợt pháo kích vào khu vực phía tây Bakhmut, nhưng cho đến nay việc giám sát vẫn bị cản trở.
Trước đó, quan chức dân quân Donetsk tuyên bố lực lượng Nga sẽ sớm kiểm soát Bakhmut. Tuy nhiên, ông cho rằng Nga không nên vội vàng tiến vào thành phố chiến lược này.
“Việc giành được Bakhmut chỉ là vấn đề thời gian, nhưng tôi cho rằng không nên vội vàng, mà tiếp tục làm tiêu hao đối phương. Cách thức này khả thi và đã được chứng minh trong thực tế”, ông Gagin cho biết thêm.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Bakhmut rất quan trọng đối với Kiev, nhưng quân đội Ukraine sẽ không bất chấp tất cả để bám trụ ở thị trấn này nếu việc đó không còn cần thiết.
“Đây không phải là một thị trấn quá lớn. Trên thực tế, giống như nhiều nơi khác ở Donbass, nó đã bị quân đội Nga phá hủy. Việc bảo vệ nó có vai trò quan trọng nhưng không phải bằng mọi giá và không phải mọi người đều chết”, ông Zelensky nói.
Không có tiến triển trên bàn đàm phán
Các nhà phân tích nhìn chung đều nhất trí rằng, một thỏa thuận ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine dường như không thể bắt đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều tỏ thái độ không nhân nhượng hay từ bỏ một trong những cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Mikhail Alexseev, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học San Diego, người hiện đang nghiên cứu về cuộc chiến ở Ukraine, cho biết: “Bất kỳ hình thức ngừng bắn nào mà không có sự thất bại của quân đội Nga về cơ bản có nghĩa là Moscow sẽ tái tập hợp. Điều đó sẽ dẫn đến các cuộc tấn công tiếp theo”.
Kiev cũng coi bất kỳ thỏa thuận dàn xếp nào bao gồm nhượng bộ lãnh thổ cho Moscow là “mối đe dọa hiện hữu”.
Ông Serhii Plokhy, giáo sư lịch sử Ukraine của Đại học Harvard, nhận định: “Ukraine khó có thể chấp nhận một lập trường có thể hy sinh sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.
Nút thắt lớn nhất hiện nay nằm ở Crimea, bán đảo trên Biển Đen mà Nga đã sáp nhập vào lãnh thổ từ năm 2014 và trở thành “lằn ranh đỏ” mà hai bên đều coi là vấn đề không thể nhân nhượng trong xung đột hiện nay. Tổng thống Volodymyr Zelensky từng tuyên bố chiến sự chỉ có thể kết thúc khi Crimea trở về với Ukraine.
Mặt khác, sáp nhập Crimea đã trở thành một thành tựu quan trọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm giành lại bán đảo này.
Xung đột có thể kéo dài nhiều năm
Truyền thông và các nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga chịu thiệt hại nặng nề về thiết bị quân sự và đạn dược trên chiến trường và Điện Kremlin đã buộc phải quay sang Triều Tiên để mua tên lửa và pháo cũng như tìm tới Iran để mua máy bay không người lái.
Tuy nhiên, theo ông Alexseev, ý kiến cho rằng Nga đang cạn kiệt những thứ họ cần để tiến hành chiến dịch quân sự là “suy nghĩ viển vông”.
“Ở Nga, các công ty quốc phòng đang làm việc theo 3 hoặc 4 ca”, ông Alexseev nói.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã bóp nghẹt nguồn cung cấp vi mạch cần thiết cho vũ khí công nghệ cao của Nga, Điện Kremlin vẫn tìm được giải pháp cho vấn đề này.
“Ngay cả khi Nga thiếu các bộ phận tiên tiến hơn, Nga vẫn có thể đảm bảo nguồn cung cấp độ thấp”, ông Alexseev cho hay.
Trong khi đó, những vũ khí tinh vi mà Mỹ và các đồng minh NATO khác cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát tới nay có thể đang cạn dần. Đã có những dấu hiệu cho thấy các kho vũ khí của phương Tây đang bị căng mỏng trước những đòi hỏi thực tế trên chiến trường Ukraine.
Ông Jack Watling, một nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết, quân đội Ukraine đang nhanh chóng sử dụng hết kho đạn pháo, vũ khí chống tăng như Javelin và NLAW cũng như tên lửa đất đối không cần thiết để bắn hạ máy bay và tên lửa của Nga.
“Họ đang sử dụng đạn dược với tốc độ rất nhanh, nhanh hơn cả tốc độ sản xuất của các đồng minh phương Tây”, ông Watling nói với NPR.
Ông Semuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corp cho rằng, các cuộc xung đột thường không kết thúc trong một thời gian ngắn và Nga có thể sẽ mất nhiều năm ở Ukraine.
“Khả năng và sự sẵn sàng của phương Tây trong việc duy trì nền kinh tế và quân sự của Ukraine đang gặp trở ngại với sự sẵn sàng và khả năng tiếp tục duy trì chiến dịch của Nga. Do vậy rất khó để dự đoán cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu”, ông Charap nói./.