Theo phong tục tập quán của người Việt ta, Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong một năm, đây là dịp để con cháu tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của ông bà tổ tiên, cha mẹ; là dịp để anh em, họ hàng đoàn viên, thăm hỏi, chúc sức khoẻ của nhau...
Ai cũng cầu mong những điều may mắn, an lành, tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình trong những ngày này và suốt cả năm.
Và để cầu mong may mắn cho một năm mới, trong phong tục của người Việt cũng có những điều nên làm trong dịp Tết này.
*Viếng mộ: Đây là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã có từ rất lâu đời. Viếng mộ, không chỉ để dọn dẹp cho khu mộ được sạch sẽ, sang sửa lại mà đây còn là dịp con cháu thể hiện tấm lòng "Uống nước nhớ nguồn" của mình với ông bà tổ tiên cũng như các bậc sinh thành, họ hàng...
Thường viếng mộ ông bà tổ tiên, họ hàng được thực hiện từ ngày 23 tháng Chạp trở đi.
*Thăm ông bà, họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp: Dịp Tết thường là dịp con cháu tề tựu đông đủ nhất trong một năm để cùng thăm ông bà, họ hàng, người thân,đó cũng là thể hiện phát huy truyền thống luôn hướng về cội nguồn của dân tộc ta.
Đồng thời, thăm hỏi, chúc Tết những người hàng xóm, láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp, cùng chia sẻ về tình hình sức khoẻ, làm ăn trong một năm qua.
*Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy: Những ngày này, con cái sẽ chúc Tết hoặc làm cơm cúng để tỏ lòng thành kính biết ơn với bậc sinh thành, nuôi dạy.
Thăm hỏi sức khoẻ, gia đình những người thầy, người cô đã có công lao dạy dỗ lên mình thành người
*Mừng tuổi / Lì xì: dịp Tết Nguyên đán này, người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn.
Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng".
Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.