Báo RIA Novosti trích dẫn thông cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đã tham gia chương trình tiêm chủng vaccine Sputnik V ngừa COVID-19.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã phát thông cáo báo chí về việc gửi lời mời tất cả đại sứ quán các nước tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Đại diện phái bộ ngoại giao Việt Nam tại Nga nói với RIA Novosti: "Chúng tôi đã nhận được lời mời của Bộ Ngoại giao Nga về việc tham gia chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, và chúng tôi tin rằng đây là một nghĩa cử rất thiện chí từ những người bạn Nga vốn luôn quan tâm tới sức khỏe của đội ngũ nhân viên Đại sứ quán. Đại sứ quán Việt Nam đã phúc đáp lời mời của Bộ Ngoại giao Nga và đồng ý tham gia chương trình này".
Phía Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng lưu ý rằng sau khi tiêm vaccine, cơ thể từng người có phản ứng khác nhau nhưng nói chung đều bình thường, điều này cho thấy vaccine Sputnik V dung nạp tốt.
Phái bộ ngoại giao Việt Nam cũng ghi nhận trình độ chuyên môn cao và "thái độ trách nhiệm đối với những người được tiêm chủng" của các bác sĩ Nga trong chương trình: "Nhân cơ hội này, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn tới các y bác sĩ và nhà khoa học Nga, không chỉ vì đã cung cấp vaccine mà vì họ đã điều trị khỏi cho các nhân viên đại sứ quán và công dân Việt Nam nhiễm COVID-19".
Ngoài Đại sứ quán Việt Nam, các Đại sứ Ấn Độ, Italy, Afghanistan, Mongolia, và nhân viên các đại sứ quán Belarus, Mongolia, Moldova, Tây Ban Nha và Afghanistan cũng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Nga. Phái bộ ngoại giao của các nước Cuba, Ethiopia cũng đã tuyên bố ý định tiêm vaccine Nga.
Nga: Vaccine Sputnik V hiệu quả ngừa biến chủng SARS-CoV-2
Mới đây, ông Denis Logunov, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga, đã xác nhận rằng "các nghiên cứu gần đây do trung tâm này thực hiện cho thấy các mũi tiêm nhắc lại của vaccine Sputnik V hoạt động rất hiệu quả chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bao gồm các biến thể phát hiện ở Anh và Nam Phi".
Vaccine Sputnik V của Nga được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus, khiến nhiều nhà khoa học lo ngại rằng cơ thể có thể sinh ra miễn dịch đối với chính các vector này.
Tuy nhiên, ông Logunov tin tưởng rằng công nghệ này "thực sự tốt hơn so với các nền tảng khác cho việc tiêm nhắc lại", đồng thời ông cũng cho biết kết quả thử nghiệm chỉ ra rằng việc tiêm nhắc lại không ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine.
Theo lãnh đạo viện Gamaleya, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng phản ứng sản sinh kháng thể kháng vector sẽ suy yếu "sớm nhất là 56 ngày sau khi tiêm chủng".
(Theo RIA Novosti, Sputnik, CNBC Indonesia)