Apple đã phát động một cuộc chiến bản quyền trên toàn thế giới, tố cáo những mẫu smartphone và tablet Android đang xâm phạm bản quyền của họ.
Những người yêu mến Android có thể coi đây là một đòn tấn công trong tuyệt vọng của Apple với ý định ngăn bước tiến của hệ điều hành này. Tuy nhiên nếu nhìn nhận thực tế hơn, sự thành công của Android đến từ việc đi “mượn lại” tài sản trí tuệ của Apple.
Theo vài đoạn được hé lộ trong cuốn tiểu sử của Steve Jobs, sắp ra mắt chính thứccó một đoạn trích theo lời của ông: “Tôi sẽ hủy diệt Android, bởi nó là một sản phẩm ăn cắp. Tôi sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân để thực thi điều này”.
Không dừng lại ở đó, Jobs còn tiếp tục đay nghiến: “Tôi sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, tiêu đến từng xu cuối cùng trong tài sản 40 tỉ USD của Apple tại ngân hàng, để trừng phạt hành động sai trái này”.
"Ngủ chung" với kẻ thù
Không quá khó hiểu tại sao Android lại bị coi là một sản phẩm ăn theo iOS. Apple và Google đã từng là bạn thân – cùng nhau chống lại Microsoft với tư tưởng “kẻ thù của kẻ thù cũng chính là đồng minh”.
CEO của Google thời đó (hiện tại là chủ tịch), ông Eric Schmidt là từng là bạn của Steve Jobs và cũng đã từng có một chân trong ban lãnh đạo Apple. Schmidt đã có được những thông tin quan trọng về chiến lược, tầm nhìn tương lai dành cho iPhone và có thể còn biết về sự hình thành của iPad.
Steve Jobs và Eric Schmidt đã từng là bạn bè.
Có lẽ sau khi biết được con đường phát triển mà Apple đã vạch sẵn, Schmidt đã không đồng thuận với những quan niệm của công ty này – đặc biệt là vấn đề độc quyền. Để rồi sau này ông tách ra và quyết định xây dựng Android, một hệ điều hành mở.
Có thể Schmidt đã “ăn cắp” iOS, nhưng không hề nhận thức được điều này.
Một vụ trộm có tay trong
Về phía Samsung, mọi việc thậm chí còn rắc rối hơn nhiều. Samsung không chỉ đưa Android vào những smartphone và tablet đầu tàu của hãng, giờ đây còn có cả máy nghe nhạc, mà thiết kế của chúng cũng rất giống so với sản phẩm của Apple. Vậy là các thiết bị của Samsung cũng được coi là nhái theo iPhone và iPad, hệ điều hành chúng sử dụng cũng là đi “mượn” của Apple.
Cũng tương tự như Schmidt có mối quan hệ thân cận với iOS, Samsung cũng biết được thông tin chi tiết về phần cứng và thiết kế của iPhone và iPad. Bởi lẽ hãng là nhà cung cấp chip và màn hình chính cho các loại smartphone lẫn tablet của Apple.
Rõ ràng Samsung Galaxy S rất giống với iPhone kể cả thiết kế lẫn giao diện.
Có lẽ lý do Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone đứng thứ 2 thế giới sau Apple, và lý do Samsung Galaxy Tab dường như là chiếc tablet Android duy nhất thành công ngoài iPad, là bởi vì chúng rất giống với iPhone và iPad.
Vậy nếu như hệ điều hành Android và các thiết bị của nó thực sự là những sản phẩm ăn cắp từ Apple thì sao?
Việc Android quá thành công tại mảng smartphone là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nó vẫn chưa thuyết phục được người dùng trong thị trường tablet, nhưng có thể tưởng tượng một ngày nào đó các thiết bị dùng Android đánh bại iOS. Rõ ràng để thành công, Android cần phải cảm ơn những thiết kế và công nghệ mà đáng ra nó không được phép đụng vào.
Nếu Android bị chứng minh là đồ ăn cắp, liệu pháp luật có cấm hệ điều hành này không? Liệu người dùng có quay lưng lại với nó không?
Việc Android đạt được nhiều thành công không thể là bằng chứng cho việc nó là một sản phẩm ăn cắp của Apple. Một lệnh phạt các thiết bị dùng Android trên thị trường là không đủ để răn đe cho vấn nạn xâm phạm bản quyền, bởi lợi ích kinh tế từ việc “ăn cắp” là quá lớn.
Hoặc cũng có thể Apple chỉ làm trò để cố tình gây ảnh hưởng và trì hoãn sự phát triển của Android. Tuy nhiên Steve Jobs đã rất quả quyết rằng Android là đồ ăn cắp, và ông không có ý định nhân nhượng trong việc bảo vệ những bản quyền của mình.
Theo GenK