Ngày 1/7/2003 đã đánh dấu mốc mạng di động công nghệ CDMA đầu tiên tại Việt Nam mang tên S-Fone chính thức một đối tác công nghệ đến từ Hàn Quốcvà SPT trong thời hạn 15 năm. Vào thời điểm đó, S-Fone là mạng có doanh thu trên mỗi thuê bao cao nhất trong các mạng di động. Nhiều người đã kỳ vọng sự xuất hiện của mạng di động công nghệ mới CDMA cùng slogan độc đáo “Nghe là thấy”của S-Fone sẽ sớm... làm nên chuyện trên thị trường di động Việt.
Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không như vậy. Vốn là thương hiệu được xây dựng bởi hai đối tác từng “chung lưng đấu cật” là SPT và SK Telecom, tuy nhiên, đến năm 2010 SK Telecom đã tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone dù thời hạn hợp tác chưa hết. Sau sự rút lui của đối tác Hàn Quốc, S-Fone đã phải chật vật phát triển trong bối cảnh thị trường di động Việt cạnh tranh ngày một khốc liệt với 7 nhà mạng tất cả.
Hoạt động trầm lặng một thời gian dài, mới đây, đã có nguồn tin cho rằng SPT đang xây dựng một kế hoạch mang tính cách mạng, sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ 3G HSPA với băng tần 800 MHz. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một lãnh đạo nào của SPT hay S-Fone chính thức xác nhận thông tin trên.
Nếu việc thay đổi công nghệ là sự thực, liệu có còn thương hiệu S-Fone trên thị trường di động Việt?
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia viễn thông, ở thời điểm này, đây là một việc nên làm của SPT với S-Fone để có thể tiếp tục duy trì mạng 095 này. Vốn gặp khó khăn về việc hạ tầng, phát triển mạng lưới, nhưng cái khó nhất của S-Fone đó là thiết bị đầu cuối hiện “một mình một chợ” trên thị trường nên không hấp dẫn khách hàng. Nếu chuyển sang công nghệ 3G, khó khăn này sẽ được giải quyết.
Song, trên thực tế, nếu tính toán kỹ lưỡng, việc chuyển đổi công nghệ của mạng di động CDMA có 9 tuổi đời này cũng có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tốn kém chi phí. Bởi nếu thay đổi công nghệ, S-Fone phải thay thế gần như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm mà thôi.
Ngoài việc đầu tư mạng 3G mới, S-Fone còn phải thay máy điện thoại CDMA cho khách hàng hiện vẫn đang sử dụng dịch vụ, con số này hiện giờ vẫn là hàng triệu chứ cũng không ít ỏi gì. S-Fone sẽ phải tiêu tốn tới vài trăm triệu USD cho công cuộc “thay máu” này và dù có khẩn trương nhất thì cũng phải đến năm 2013, S-Fone mới giải quyết xong vấn đề này.
Đã từng có thời điểm, thị trường di động Việt chứng kiến hai “phe” cung cấp dịch vụ công nghệ tại Việt Nam với thế "chân kiềng": GSM có VinaPhone, MobiFone, Viettel và CDMA là S-Fone, HT Mobile và EVN Telecom.
Thế nhưng, HT Mobile sau chưa đầy một năm cung cấp dịch vụ CDMA cũng đã phải tính lại “nước cờ” của mình với việc xin chuyển sang công nghệ eGSM. Ngày 15/12/2008, Hanoi Telecom gửi đơn xin điều chỉnh và đề án chuyển đổi công nghệ của mạng HT Mobile từ CDMA sang eGSM. Sau đó, Hanoi Telecom bắt đầu chuyển đổi thuê bao HT Mobile sang mạng S-Fone.
Ngày 9/4/2009, HT Mobile đã chính thức trở lại cung cấp dịch vụ tại Việt Nam với thương hiệu mới Vietnamobile, công nghệ GSM. Việc “lột xác” sớm này được đánh giá Hanoi Telecom (đơn vị chủ quản mạng Vietnamobile) và đối tác Hutchison đã phản ứng nhanh trước vì đã nhìn trước được kết cục không sớm thì muộn của công nghệ CDMA.
Ngay cả EVN Telecom, vốn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi bước chân vào thị trường di động với công nghệ CDMA vào năm 2005, từ 1/1/2012 đã không còn thương hiệu nữa mà được “bàn giao nguyên trạng” sang cho Viettel sau khi thua lỗ chồng chất. Khi không còn EVN Telecom, các thuê bao hiện có của doanh nghiệp này đã được “chuyển khẩu” sang Viettel, hoà sóng Viettel.
Và giờ, đến lượt S-Fone với những thông tin dù chưa chính xác, sẽ thay công nghệ CDMA thành 3G. Nếu dự án chuyển đổi công nghệ của S-Fone là sự thực, điều đó có nghĩa, CDMA sẽ không còn “đất sống” tại Việt Nam.
Theo Hiền Mai
Theo Vnmedia