Theo thông tin từ Thời báo phố Wall, hôm qua, RIM (Research In Motion) đã thẳng thừng từ chối bán mình cho Amazon mặc dù hãng thương mại điện tử hàng đầu của Mỹ tỏ ra rất quan tâm và thực sự muốn mua lại RIM. Amazon không đưa ra lí do giải thích vì sao muốn sở hữu nhà sản xuất đến từ Canada nhưng rõ ràng hãng thương mại điện tử của Mỹ đang có tham vọng bành trướng trên thị trường thiết bị di động sau khi hãng này tung ra chiếc máy tính bảng Kindle Fire được đánh giá là thành công.
Giới phân tích tỏ ra lo lắng cho RIM sau khi hãng này cho biết đã từ chối “gửi gắm” vào tay Amazon. Theo nhiều nguồn tin của Reuters am hiểu về vấn đề cho biết RIM từ chối đề nghị của Amazon bởi hãng này đang muốn “tự mình sửa chữa sai lầm”
Trước đó, từ mùa hè năm nay, Amazon đã thuê một ngân hàng đầu tư để xem xét đến việc sáp nhập với RIM, nhưng hãng này không công bố về số tiền cụ thể mà họ chào mua RIM.
Không chỉ Amazon hào hứng với RIM, Microsoft và Nokia cũng đã nhắc đến chuyện muốn hợp tác cùng RIM.
RIM đang được nhiều "ông lớn" quan tâm.
Tuy nhiên, có vẻ như vẫn chỉ dừng lại ở mức đàm phán. Giới phân tích đang đặt dấu hỏi về việc liệu RIM có thực sự muốn bắt tay với Microsof và Nokia để tìm ra hướng đi, vực dậy sau gần 2 năm trượt dốc vì thiếu sự đổi mới, cải tiến cả ở phần cứng và phần mềm.
Dù vậy, việc Amazon muốn mua lại RIM là điều dễ hiểu bởi RIM sẽ giúp Amazon thực hiện vai trò sản xuất thiết bị di động, cũng giống như cách mà Google sẽ thực hiện sau khi mua lại Motorola Mobility. Điều giới công nghệ đang rất tò mò và khó hiểu rằng tại sao Microsoft và Nokia lại có “tình ý” với RIM vốn đang rơi xuống vực thẳm bởi phần mềm hoàn toàn không phù hợp kể từ khi nền tảng Android xuất hiện và phát triển như vũ bão. Hơn thế nữa, các dòng điện thoại và máy tính bảng của RIM đã trở nên lỗi thời bởi lối thiết kế không có sự đột phá.
Hiện tại Nokia đang đánh cược tương lai của mình vào nền tảng Windows Phone của Microsoft, và chắc chắn một điều rằng Microsoft cũng không thể nào “nhờ vả” được gì từ RIM bởi thế mạnh của RIM là ở nền tảng doanh nghiệp, nhưng đây cũng chính là phân khúc Microsoft đang giữa vị thế “độc tôn”.
Tuy nhiên, theo hai nguồn tin thân cận, các sếp của RIM đang tính đến phương án “bắt tay” với các nhà sản xuất di động, như Samsung và HTC để “gắn” bản quyền hệ điều hành của RIM cho các dòng điện thoại mới của các hãng này. Có vẻ như RIM đang tính bắt chước Google khi đưa Android trở thành nền tảng chính của Samsung và HTC. RIM không có ý định từ bỏ bộ phận di động của mình, theo WSJ.
Thông tin hàng loạt “ông lớn” muốn thâu tóm RIM đã đẩy giá cổ phiếu của hãng này tăng 11% vào cuối phiên giao dịch chiều hôm qua (20/12), đạt 13,85 USD/cổ phiếu. Trước đó, giá cổ phiếu của RIM giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua – 12,52 USD.
Theo Dân Trí