Công nghệ NATO sẽ được ứng dụng trên vũ khí Nga

Kiên Bùi |

Nga có thể sử dụng những công nghệ tối tân trên vũ khí NATO thu được trong chiến dịch quân sự đặc biệt để ứng dụng trên vũ khí của mình.

Công nghệ NATO sẽ được ứng dụng trên vũ khí Nga - Ảnh 1.

Phần chiến đấu nguyên vẹn của Storm Shadow bị Nga thu giữ.

Theo tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, liên minh phương Tây đã đưa vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD vào Ukraine trong năm qua, bao gồm mọi thứ từ lỗi thời của những năm 1960 cho đến các hệ thống công nghệ cao mới nhất.

Các lực lượng Nga đã giành được một số thiết bị này trong các trận chiến ác liệt với lực lượng lính đánh thuê và quân đội Ukraine. Không loại trừ việc sử dụng kỹ thuật đảo ngược các thiết bị NATO thu được ở Ukraine để có thể cải thiện vũ khí của chính Nga.

"Có thành ngữ 'kỹ thuật đảo ngược'. Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra, bởi vì thiết bị hiện đại chúng tôi có và nó rất hiệu quả, hãy lấy ví dụ như xe tăng T-90M Proryv, đây là loại xe tăng tốt nhất trên thế giới mà không cần phóng đại.

Nhưng kẻ thù cũng sản xuất thiết bị hiện đại. Và nếu có cơ hội khám phá bên trong và xem liệu có thứ gì ở đó mà chúng ta có thể sử dụng hay không, thì tại sao không?", ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước Nga hôm 16/7.

Mỹ và các đồng minh châu Âu và châu Á đã cam kết viện trợ quân sự hơn 94,5 tỷ USD cho Ukraine trong 18 tháng qua, vượt xa quy mô của toàn bộ ngân sách quốc phòng trị giá 56,6 tỷ USD của Nga.

Những khoản chi tiêu này, bao gồm cả việc cung cấp một số thiết bị tiên tiến nhất, đã qua thử nghiệm chiến đấu của NATO, tuy nhiên đã không giúp lực lượng Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở Donbass, Zaporozhye và Kherson.

Các cường quốc NATO đã cam kết mọi thứ, từ xe tăng Leopard 2 (bao gồm một số sửa đổi mới nhất của họ) đến xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe chiến đấu bọc thép Stryker, bệ phóng tên lửa ATACMS, lựu pháo Caesar, tên lửa hành trình Storm Shadow, hệ thống phòng không NASAMS và Patriot, với một số quốc gia gửi gần như toàn bộ kho dự trữ của họ về một số loại vũ khí này.

NATO cũng đã gửi một loạt vũ khí xách tay hiện đại, bao gồm tên lửa chống tăng Panzerfaust và Javelin, tên lửa phòng không Stinger, và một loạt máy bay không người lái, thiết bị gây nhiễu, radar, kỹ thuật và các thiết bị khác.

Một số loại vũ khí này, bao gồm tất cả mọi thứ từ Javelin và Stinger cho đến Bradley, Leopard, tên lửa tàng hình Storm Shadow... đã bị lực lượng Nga thu giữ, với một số thiết bị hiện đang phục vụ trong lực lượng Nga.

Dmitry Rogozin, lãnh đạo nhóm cố vấn quân sự "Sói Sa hoàng" của Nga hôm 6/7 thông báo nước này đã thu được quả tên lửa hành trình Storm Shadow gần như nguyên vẹn sau khi nó rơi xuống khu vực giao tranh ở Ukraine.

"Quả đạn đã được chuyển đến một doanh nghiệp quốc phòng Nga, cho phép họ giải mã thuật toán, hệ thống điều khiển và chia sẻ thông tin cho các chuyên gia phòng không", ông Rogozin cho hay.

Theo chuyên gia Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, lợi ích đầu tiên mà Nga thu được khi nghiên cứu quả đạn là hiểu rõ tính năng kỹ chiến thuật của mẫu tên lửa hành trình có tầm bắn xa nhất mà Ukraine được chuyển giao.

Tên lửa Storm Shadow có tính năng tàng hình, đặc biệt là ở mặt trước, nhằm ẩn mình trước các hệ thống phòng không đối phương. Việc xem xét vật liệu chế tạo và nguyên lý thiết kế từ quả đạn thu được có thể giúp Nga xác định mức độ phản xạ radar cụ thể của tên lửa, cho phép xây dựng phương án phát hiện chúng từ xa.

Phần chiến đấu BROACH của Storm Shadow cũng được trang bị cho bom lượn AGM-154 JSOW-C do Mỹ chế tạo. Nó gồm liều nổ lõm sơ cấp để xuyên phá vỏ giáp xe tăng, bê tông cốt thép và nền đất, mở đường cho đầu đạn nổ phá cỡ lớn lao vào bên trong và gây sát thương tối đa.

Loại đầu đạn này giúp tên lửa Storm Shadow có khả năng tấn công, phá hủy mục tiêu kiên cố vốn chỉ xuất hiện trên các loại bom cỡ lớn dẫn đường bằng laser.

"Nga cũng có thể nghiên cứu động cơ tên lửa để thu thập tin tức tình báo. Tuy nhiên, kho báu quý nhất trên quả đạn thu được là các thiết bị điện tử, trong đó chủ yếu là hệ thống dẫn đường và nhắm bắn mục tiêu", Rogoway nhận định.

Tên lửa Storm Shadow sử dụng hệ thống định vị quán tính, dẫn đường vệ tinh và khớp ảnh địa hình trong quá trình bay tới mục tiêu, sau đó kích hoạt đầu dò ảnh nhiệt độ phân giải cao với hệ thống nhận diện mục tiêu tự động (ATR).

ATR hoạt động bằng cách so sánh hình ảnh thu từ đầu dò ở pha cuối với cơ sở dữ liệu được nạp trước khi bay. Máy tính trung tâm sẽ xác nhận mục tiêu và điều khiển tên lửa lao xuống, thậm chí có thể nhằm vào điểm yếu nhất của mục tiêu. Hệ thống này vận hành hoàn toàn tự động với độ chính xác rất cao và không cần con người can thiệp, khiến nó miễn nhiễm với các phương thức gây nhiễu vô tuyến.

Phần chiến đấu nguyên vẹn của Storm Shadow bị Nga thu giữ.

"Nếu hệ thống cảm biến, máy tính điện tử, phần mềm trên quả tên lửa không bị phá hủy hoàn toàn, Nga có thể khôi phục hoạt động của chúng và tìm hiểu về tham số vận hành, cũng như quy trình khóa mục tiêu và điểm yếu của ATR. Điều này sẽ giúp Nga tìm biện pháp đối phó, cũng như cải thiện năng lực vũ khí nội địa", chuyên gia Mỹ cảnh báo.

Có nhiều động thái cho thấy Nga đang áp dụng biện pháp đối phó với Storm Shadow và những vũ khí phương Tây được trang bị ATR trong tương lai. Một trong số đó là sơn đen phần mũi và đuôi các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen, nhằm thay đổi hình dáng được cảm biến đối phương ghi nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại