Cơn sốt kiểm tra vân tay xác định tính cách trẻ nhỏ tại Trung Quốc

Nguyễn Hải |

Với mong muốn hiểu rõ nhất về con mình, nhiều vị phụ huynh Trung Quốc đang đổ xô đến các cửa hàng làm dịch vụ DMIT, bất chấp những lời cảnh báo từ các chuyên gia về tính đáng tin cậy của dịch vụ.

Vào giữa tháng 11, cô Chen Jing đưa cô con gái 7 tuổi của mình tới gặp một phụ nữ tên Huang tại quán café trong thành phố. Tự xưng mình là một nhà phân tích chỉ tay, cô Huang tuyên bố mình có thể cung cấp thông tin chi tiết về tiềm năng tương lai của đứa trẻ - chỉ bằng cách nhìn vào bàn tay cô bé.

Hai tuần sau khi thu thập mẫu vân tay cô bé, cô gặp lại Chen tại cùng quán café đó và trao lại cho người mẹ một báo cáo dầy 47 trang. Dựa trên dấu vân tay, báo cáo cho biết mọi khía cạnh về tâm trí của một đứa trẻ 7 tuổi, từ tính cánh cho đến khả năng học tập, mức độ thông minh, năng khiếu nghệ thuật cũng như khả năng lãnh đạo.

Theo cô Huang, cô gái có một tính cách "tắc kè hoa": "Tâm trí cô bé rất bốc đồng và tâm trạng hay thay đổi của cô thường ảnh hưởng đến hành vi." Cô Chen rất vui mừng vì đánh giá này. "Đây đúng là điều điển hình về con gái tôi." Cô thốt lên.

Cơn sốt kiểm tra vân tay xác định tính cách trẻ nhỏ tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Cô Chen chỉ là một trong số nhiều phụ huynh Trung Quốc đang cuốn theo cơn sốt của bài kiểm tra trí thông minh qua dấu vân tay (dermatoglyphics multiple intelligences test), hay DMIT, để hiểu hơn về đứa con của mình. Trong những năm gần đây, các bài xác định tính cách dựa trên dấu vân tay đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các gia đình trung lưu Trung Quốc. Tuy nhiên, phong trào DMIT lại gặp phải sự phản đối dữ dội từ những nhà phê bình, những người cho rằng các bài đánh giá này chỉ là ngụy khoa học.

DMIT - ngành khoa học không dựa trên khoa học

Ban đầu, DMIT được xem như một nhánh mở rộng của ngành Dermatoglyphic – ngành khoa học nghiên cứu về các đường rãnh đặc trưng trên bàn tay, bàn chân mỗi người liên quan thế nào đến chức năng não của họ. Nhiều nhà nghiên cứu đầu thế kỷ 20, trong đó có ông Harold Cummins, cho rằng, một số mẫu vân tay nhất định có thể chỉ ra dấu hiệu của bệnh Down.

Từ những năm 80, khởi đầu là một nhà nghiên cứu Đài Loan, Chen Yimou đã kết hợp ngành Dermatoglyphic với lý thuyết Đa trí tuệ của nhà vật lý Howard Gardner tại Đại học Harvard, để tuyên bố rằng dấu vân tay có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về tính cách con người.

Dần dần, các bài test DMIT được Chen hoàn thiện và trở nên phổ biến để sau đó bắt đầu xuất hiện rộng rãi tại Trung Quốc từ năm 2005, khi những người truyền bá nhận thấy cơ hội thị trường khổng lồ từ nơi này.

Cơn sốt kiểm tra vân tay xác định tính cách trẻ nhỏ tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Hình ảnh mô tả dấu vân tay ảnh hưởng đến trí não như thế nào theo lý thuyết của DMIT.

Ông Liu, một nhà phân tích vân tay giấu tên, người đã thành lập một cửa hàng về dịch vụ DMIT tại Thượng Hải cho biết: "Nhu cầu thị trường luôn có. Ngay cả khi chỉ có một trong số 1.000 gia đình quan tâm đến dịch vụ này, thị trường cũng không hề nhỏ."

Tuy nhiên, các công ty đều phải hoạt động trong bóng tối, khi người làm dịch vụ thường gặp gỡ khách hàng tại các địa điểm công cộng như quán café, thay vì tại văn phòng. Thậm chí những người làm dịch vụ này còn không quảng bá rộng rãi về hoạt động kinh doanh của họ, mà khách hàng chỉ biết đến qua truyền miệng.

Sự thận trọng như vậy là không thừa. Cho dù không có hạn chế về luật pháp nào đối với dịch vụ DMIT tại Trung Quốc, nhưng ngay từ đầu, hoạt động này đã gặp phải sự phản đối từ các học viện Trung Quốc và các chuyên gia y tế, những người cho rằng bài kiểm tra này không dựa trên khoa học.

Zhang Haiguo, giáo sư chuyên về vân tay học tại trường Y Khoa thuộc Đại học Shanghai Jiao Tong, đã lớn tiếng chỉ trích DMIT từ năm 2006: "Cho đến nay, chẳng có bằng chứng y học nào về việc các thông tin trên dấu vân tay có liên quan đến chức năng não. Đối với các ứng dụng của dấu vân tay cho những bài kiểm tra trí tuệ, càng không có bằng chứng khoa học nào hết."

Ngay cả những thầy thuốc thuộc cộng đồng Đông Y cũng phản đối DMIT. Du Yajun, một bác sĩ tại Bệnh viện Đông Y tỉnh Shanxi, cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghe thấy việc trí tuệ của một người lại có thể phản ánh trên bàn tay họ."

Sức ép thành tích học tập thúc đẩy cơn sốt dịch vụ DMIT tại Trung Quốc

Bất chấp những lời chỉ trích này, các công ty dịch vụ DMIT vẫn thu hút rất nhiều khách hàng. Ông Liu cho biết, mình đã tiếp hàng nghìn gia đình tại Thượng Hải trong hơn 14 năm qua. Hơn nữa, những người làm trong lĩnh vực này ước tính, nhu cầu kiểm tra đang ngày càng tăng lên, cho dù chẳng có số liệu chính thức nào được công bố.

Cơn sốt kiểm tra vân tay xác định tính cách trẻ nhỏ tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Ông Liu cho biết thêm: "Hầu hết các phụ huynh tôi đã giúp đỡ đều được giáo dục tốt. Họ thường tìm đến chúng tôi sau khi gặp phải các khó khăn trong giao tiếp với con của họ."

Đối với trường hợp cô Chen, việc tìm đến DMIT chỉ diễn ra sau khi cô cảm thấy mối quan hệ của mình với con gái đang rạn nứt. Không giống như nhiều người bạn khác, cô Chen luôn ưu tiên niềm vui của con gái mình lên trên hết, bằng cách đưa cô bé đi học nhảy, học võ thay vì vùi đầu vào sách vở. Thế nhưng từ năm ngoái, cô bé bắt đầu thay đổi tính nết, trở nên mất bình tĩnh và đôi khi đột nhiên khóc hoặc hét lên mà không rõ lý do.

"Tôi chẳng mong con gái mình đứng đầu cả lớp – tôi chỉ muốn nó là một cô gái bình thường, khỏe mạnh và hạnh phúc." Cô Chen cho biết.

Cô nghe về DMIT qua một số phụ huynh khác trên nhóm chat WeChat. Cho dù bài kiểm tra này tiêu tốn đến hơn 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 285 USD), cô quyết định thử.

Đối với nhiều phụ huynh khác, bài test DMIT là cách giúp họ quản lý việc giáo dục cho con tốt hơn. Đó là điều rất dễ hiểu ở một quốc gia vẫn còn coi nặng thành tích học tập như Trung Quốc. Năm 2019, một khảo sát trên hơn 7.000 gia đình từ 20 thành phố Trung Quốc cho thấy, khoảng 40% người được hỏi cho biết dành ra hơn 30% thu nhập của gia đình để lo cho việc học của con cái.

Cơn sốt kiểm tra vân tay xác định tính cách trẻ nhỏ tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Zhao Yuanyuan, người mẹ của cô con gái 4 tuổi lại tìm đến DMIT để đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu cho con của mình "một cách khoa học hơn."

"Tập trung thời gian học cho thế mạnh của con là điều tôi muốn. Nếu tôi đưa con vào lớp học hát nhưng cuối cùng, phải mất đến 3 năm sau con bé nhận ra nó không có tài năng cho điều đó, như vậy thật lãng phí thời gian." Cô Zhao cho biết.

Thậm chí trong một số trường hợp khác, chính các trường học lại là đối tượng tìm đến các công ty DMIT. Vào tháng Ba vừa qua, một trường tiểu học ở phía Nam Thâm Quyến đã gây phẫn nộ khi bí mật thu thập dấu vân tay học sinh để kiểm tra học lực mà không cho các vị phụ huynh biết.

Kết quả kiểm tra chỉ như một lời tham khảo

Ông Zhang, một trong những người chỉ trích DMIT, cho biết, ông hiểu tại sao nhiều vị phụ huynh lại muốn làm bài kiểm tra này cho con mình. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, dù các nhà phân tích này lý luận thuyết phục như thế nào đi nữa, các vị phụ huynh cũng rất dễ bị lừa. "Các kết quả đều không dựa trên khoa học và có thể bị hiểu nhầm."

Ông Liu đã quen với những cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh rằng, các bài kiểm tra có thể vẫn hữu ích với các phụ huynh. "Nếu bạn xem nó như một lời tham khảo – một điều gì đó có thể giúp bạn hiểu hành vi hay tâm trí đứa con của mình hơn – nó sẽ hợp lý hơn." Ông Liu nói. "Bài kiểm tra cũng có tác dụng làm giảm bớt gánh nặng tâm lý lên các vị phụ huynh."

Cơn sốt kiểm tra vân tay xác định tính cách trẻ nhỏ tại Trung Quốc - Ảnh 5.

Các loài động vật khác nhau được dùng để đại diện cho những nhóm tính cách khác nhau.

Những báo cáo từ DMIT không phải là lời tham khảo hay lời tư vấn duy nhất dành cho các vị phụ huynh, mà còn thông qua các mạng lưới lan truyền của DMIT. Cho dù cô Zhao cảm thấy thất vọng về việc thiếu chi tiết trong báo cáo mà cô nhận được – với mức giá hơn 171 USD – cô vẫn kể với những phụ huynh khác trong nhà trẻ của con gái về bài kiểm tra. Kể từ đó, nhiều người trong số họ đã đăng ký làm các bài test đó cho con mình.

Trong khi đó, đối với Chen, lợi ích chính của DMIT là cho phép cô tiếp cận một mạng lưới hỗ trợ mới. Sau cuộc gặp với Huang, nhà phân tích này đã thêm cô vào nhóm chat WeChat của những bậc phụ huynh cùng có con dạng "tắc kè hoa".

Nhờ việc trao đổi với các phụ huynh này trên WeChat, cô Chen cuối cùng hiểu được tận gốc rễ cho những vấn đề về hành vi của con người. Người mẹ nhận ra sự thay đổi bắt đầu chỉ một thời gian sau khi cô con gái bắt đầu vào tiểu học. Cô bé gặp khó khăn trong việc đọc và viết, khi không thích nghi với tính kỷ luật của cuộc sống học đường. Áp lực ngày càng lớn hơn khi cô bé phải đối mặt với những lời chỉ trích hàng ngày từ giáo viên.

Cô Chen không thể nói chắc chắn liệu con gái mình thực sự có tính cách như tắc kè hoa không. Nhưng việc DMIT giúp tập trung hàng chục vị phụ huynh lại với nhau, những người cùng có các thay đổi khó khăn và cho phép họ cùng giúp đỡ nhau. "Hầu hết các mẹo của họ đều hiệu quả." Chen cho biết.

Tham khảo Sixth Tone


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại