Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước thành viên NATO vẫn chưa thống nhất kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự này.
Ông Stoltenberg lưu ý rằng NATO dù đã tăng cường quan hệ với Ukraine, nhưng hai bên không bị ràng buộc bởi Điều 5 Hiệp ước của NATO về quy định phòng vệ tập thể.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Bucharest vào tháng 4/2008, NATO đã thông qua tuyên bố chính trị với mục tiêu đưa Ukraine và Gruzia trở thành thành viên NATO, nhưng không cung cấp kế hoạch hành động thành viên - bước đầu tiên trong quy trình pháp lý cho các quốc gia tiến hành gia nhập NATO.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, Ukraine vẫn còn cả chặng đường dài để có thể gia nhập NATO bởi liên minh này không kết nạp các quốc gia có vấn đề lãnh thổ chưa được giải quyết, do lo ngại điều này có thể kéo toàn bộ NATO vào cuộc xung đột quân sự.
Về phía Ukraine, vào tháng 2/2019, Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) đã thông qua các sửa đổi hiến pháp bao gồm cả nguyện vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine.
Chiến lược An ninh Quân sự mới của Ukraine được thông qua vào tháng 3 năm 2021 cũng tiếp tục xác lập mục tiêu trở thành thành viên của NATO thông qua việc triển khai hơn nữa các tiêu chuẩn của NATO, tăng khả năng tương tác của lực lượng vũ trang Ukraine với các lực lượng của NATO cũng như tăng cường sự tham gia của Ukraine vào sứ mệnh quốc tế của NATO.
Trước đó, Học thuyết Quân sự năm 2015 của Ukraine đặt ra mục tiêu đạt được khả năng tương tác, phối hợp đầy đủ với các lực lượng NATO vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, Ukraine đã không thành công với mục tiêu này.