Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch Sohovietnam, một đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản, nhìn nhận và đánh giá thời gian tới thị trường chuyển nhượng tài sản như các dự án bất động sản du lịch, khách sạn, tòa nhà văn phòng, khối căn hộ cho thuê, mặt bằng bán lẻ… sẽ sôi động hơn.
Lý do được ông Cần đưa ra là bởi ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đối mọi mặt đời sống kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, du lịch, bán lẻ đang đứng trước sức ép rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cửa hàng, trung tâm thương mại, mặt bằng cho thuê vắng khách phải tạm dừng hoạt động, giảm bớt nhân viên, cắt giảm chi phí. Một số đơn vị quy mô nhỏ buộc phải đóng cửa, thậm chí là phá sản.
Kinh doanh không hiệu quả buộc họ phải tái cấu trúc công ty. Trong đó có việc bán bớt một số danh mục đầu tư mà các doanh nghiệp này đang sở hữu nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Cũng theo ông Cần, loại hình tài sản mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và thông qua Sohovietnam để tìm kiếm trên thị trường hiện nay là các tài sản, dự án đang gặp khó khăn. Họ ưu tiên các tài sản đã xây dựng xong thuộc lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Tổng số tiền mà các nhà đầu tư đặt hàng hiện lên đến khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng để "săn" các tài sản giá rẻ này.
"Theo số liệu chúng tôi phân loại, các khách sạn quy mô khoảng 100 đến 500 phòng được quan tâm ở thị trường Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng tàu; Còn ở những thị trường nhiều KCN như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng thì các nhà đầu tư quan tâm nhiều tới loại hình khách sạn nhỏ hoặc căn hộ cho chuyên gia thuê quy mô 100 đến 200 phòng", ông Cần chia sẻ.
Ông Cần cho biết thêm, trong bối cảnh "tiến thoái lưỡng nan" này thông thường người mua có lợi thế hơn người bán. Chính vì thế, các tài sản mà các nhà đầu tư đặt hàng thường có mức định giá thấp hơn khoảng 20-30% so với mức rao bán của người bán.
Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Cần thì sự sôi động của chuyển nhượng dự án hiện thực sự rõ nét ở thời điểm này bởi BĐS là tài sản lớn, hoạt động chuyển nhượng cũng sẽ kéo dài.
Nhưng với tình hình ảm đạm và khó khăn như hiện nay thì hoạt động này sẽ trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. Trước mắt, khách sạn và mặt bằng bán lẻ sẽ là 2 loại hình BĐS có xu hướng rõ ràng nhất bởi những áp lực về hoạt động kinh doanh.
Theo một nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam thì những tháng đầu năm 2020, doanh thu của một số nhà hàng đã giảm tới 50%. Gần đây, dịch Covid-19 lại tiếp tục giáng thêm một đòn nữa lên các nhà hàng này khiến nhiều khách thuê kinh doanh sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định đóng cửa và trả mặt bằng.
Tình hình kinh doanh khách sạn cũng bi đát khi mà lượng khách du lịch sụt giảm mạnh. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải đóng cửa. Theo chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng tiết lộ, công suất khách sạn đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ và thậm chí một số khách sạn chỉ còn 10 – 20%.
Savills Việt Nam, nhận định các dấu hiệu khó khăn lan rộng trong lĩnh vực đầu tư sẽ buộc nhiều chủ đầu tư phải quyết định chờ đợi cho đợt khủng hoảng này trôi qua nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát. Trái lại, với các doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn, họ sẽ buộc phải bán đi các tài sản sẵn có.
Tuy nhiên, một dấu hiệu lạc quan hơn đó là tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Hiện có nhiều khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng đều đang kêu khó khăn nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn chưa chấp nhận bán rẻ. Họ đang nghe ngóng thị trường xem tình hình bệnh dịch như thế nào. Nếu dịch bệnh chỉ xuất hiện trong ngắn hạn, có thể họ sẽ phục hồi nhanh.
Bên cạnh đó là những chính sách của ngân hàng giảm lãi xuất xuống để hỗ trợ doanh nghiệp như theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây thì họ vẫn cầm cự được.
Đối với các mặt bằng cho thuê, các chủ đầu tư cũng đang nỗ lực hỗ trợ khách thuê trong ngắn hạn nhằm giúp họ vượt qua khó khăn ở giai đoạn này.
Động thái mới đây của Vincom Retail hỗ trợ 300 tỷ hay Hưng Thịnh áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho khách thuê tại các dự án của mình với mức giảm khoảng từ 20 - 40% tùy từng trường hợp và thời gian hỗ trợ linh động theo diễn biến của đại dịch,…
Tuy vậy, theo ông Phan Xuân Cần tình hình hiện nay là rất khó đoán. Trong trường hợp các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không hiệu quả, khó khăn kéo dài, doanh nghiệp không thể cầm cự được, lúc đó họ mới tính các phương án chuyển nhượng dự án, tài sản.
Vì thế, cuộc chơi hiện nay chỉ dành cho những người có tiềm lực tài chính mạnh, có tính toán dài hạn để đầu tư bất động sản thì đây lại là thời điểm để quan tâm.