"Cơ hội cuối" cho Mỹ - Trung trước phán quyết về Biển Đông

Thi Anh |

Không chỉ là cơ hội lôi kéo sự ủng hộ, Đối thoại Shangri-La còn bộc lộ lập trường của hàng loạt quốc gia về vấn đề Biển Đông.

Căng thẳng trên Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm trong hội nghị an ninh lớn nhất châu Á bắt đầu tại Singapore từ ngày mai (3/6). Đây được xem là cơ hội cuối để Trung Quốc và Mỹ thu hút sự ủng hộ trước khi phán quyết về vụ kiện của Philippines được công bố.

Các chuyên gia an ninh cho rằng Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục các nước Đông Nam Á, cũng như các cường quốc trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản lên tiếng hỗ trợ các phán quyết có lợi cho Philippines.

Trung Quốc thì sẽ cố gắng gây ảnh hưởng để các nước đứng về phía mình, nhằm tạo thế phản kháng trước sự lên án từ phương Tây.

Ông Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Washington nhận định: "Giá trị của vụ kiện nằm ở khả năng gây tổn hại danh tiếng và gia tăng sức ép lâu dài với Trung Quốc. Điều đó chỉ có hiệu quả nếu anh tập hợp được một liên minh hùng hậu, và duy trì nó trước dư luận."

"Nhưng nếu Trung Quốc có được nhiều sự ủng hộ thì tình thế sẽ khác."

Trong số hơn 20 đại biểu, có lẽ quan điểm của các nước Đông Nam Á sẽ nhận được nhiều sự chú ý trong hội nghị lần này.

Nhiều nước trong khu vực không đồng tình với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng họ phải chật vật tìm cách cân bằng lợi ích an ninh của mình và mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Bài phát biểu mở màn của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhiều khả năng sẽ bộc lộ quan điểm cũng như lập trường của Thái Lan về vấn đề Biển Đông. Đây là một trong những lần hiếm hoi ông Chan-o-cha xuất hiện trên diễn đàn quốc tế.

"Chính sách của Thái Lan sẽ cho thấy tình thế khó xử của khu vực", ông Tim Huxey, chuyên gia an ninh nhận định.

"Các quốc gia trong khu vực muốn giữ mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng về mặt chiến lược, họ lại muốn đứng cùng với phương Tây. Họ có lí do để cẩn trọng trước hành động của Trung Quốc trong khu vực."

Hội nghị kéo dài 3 ngày là một cơ hội hiếm hoi để các quan chức quân đội, tình báo, cũng như lãnh đạo dân sự tranh luận mở về xu hướng quốc phòng và những vấn đề căng thẳng trong khu vực.

Ngoài vấn đề Biển Đông, chương trình nghị sự các của Đối thoại Shangri-La sẽ xoay quanh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hoạt động của các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á và an ninh mạng.

Đối thoại Shangri-La diễn ra đúng thời điểm Đông Nam Á ghi nhận nhiều thay đổi chiến lược như sự xuất hiện của "Donald Trump phương Đông" trên chính trường Philippines, sự trở lại của bà Aung San Suu Kyi và quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam.

Dự kiến, trong tháng này, phán quyết về tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc sẽ được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Vụ kiện này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng thể hiện luật pháp quốc tế như một thứ vũ khí trong địa chính trị và cũng là kết quả cho những nỗ lực của Tổng thống Benigno Aquino III.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại