"Đây là một chiến thắng cho chủ nghĩa đa phương, cho những nỗ lực toàn cầu, nhằm chống lại những hủy hoại mà đại dương đang phải đối mặt, bây giờ và cho các thế hệ mai sau”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết tối 4/3, theo tuyên bố đăng tải trên trang thông tin của Liên hợp quốc.
Phát biểu được đưa ra chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận được ký kết tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, nơi diễn ra các cuộc đàm phán cam go về dự thảo hiệp ước suốt hai tuần qua.
Thỏa thuận được gọi là "Hiệp ước biển khơi" - khung pháp lý sẽ đặt 30% diện tích các đại dương trên thế giới vào các khu vực được bảo vệ, đầu tư nhiều hơn vào bảo tồn, bao gồm việc tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền (gen) của biển. Thỏa thuận đạt được trong Hội nghị liên chính phủ về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, được biết đến nhiều hơn với tên viết tắt BBNJ.
Thỏa thuận được xem là thành quả cao nhất của các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc hỗ trợ từ năm 2004.
(Ảnh minh họa)
Thông qua Người phát ngôn của mình, ông Guterres cho biết hiệp ước rất quan trọng để giải quyết ba cuộc khủng hoảng hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.
“Điều này cũng rất quan trọng để đạt được các mục tiêu liên quan đến đại dương trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal” , ông tuyên bố. Chương trình được đề cập còn gọi là cam kết "30x30", nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của một phần ba diện tích trên đất liền và trên biển – cho đến năm 2030, được đưa ra trong hội nghị lịch sử của Liên hợp quốc tại Montreal vào tháng 12/2022.
Tổng thư ký cũng lưu ý rằng quyết định BBNJ được xây dựng dựa trên di sản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ông ca ngợi tất cả các bên vì tham vọng, sự linh hoạt và kiên trì của họ, ghi nhận sự hỗ trợ quan trọng của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, các tổ chức học thuật và cộng đồng khoa học.
“Ông mong muốn tiếp tục hợp tác với tất cả các bên để đảm bảo một đại dương khỏe mạnh hơn, kiên cường hơn và có ích hơn, mang lại lợi ích cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, Người phát ngôn tuyên.
Phản ứng trên Twitter, Csaba Kőrösi, Chủ tịch phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cũng chúc mừng các đại biểu đạt được sự đồng thuận về khung pháp lý toàn cầu cho biển cả.
“Đây là một thành công lớn cho chủ nghĩa đa phương. Một ví dụ về sự chuyển đổi mà thế giới của chúng ta cần và những người dân chúng ta phục vụ yêu cầu”, ông nói thêm.