Băng Ngọc (sinh năm 1991) hiện đang làm truyền thông đối ngoại cho art space (không gian chia sẻ nghệ thuật) tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cô cũng vẫn viết thơ, văn và làm content marketing tự do, mới “nhen nhóm” với công việc dịch thuật.
Băng Ngọc đã xuất hiện trong Là Nhà tập 7 cùng bài toán cải tạo căn nhà mới mua ở Phan Rang. Trong chương trình, cô chia sẻ rằng bản thân sinh ra ở Hà Nội, cho đến năm 25 tuổi quyết định vào TP Hồ Chí Minh làm việc: “Mình sẵn sàng cho mọi thứ, chẳng hạn như đến Phan Rang có 1 căn nhà từ trên trời rơi xuống và mình yêu thích nó. Điều đó đến rất tự nhiên, không có kế hoạch trước”.
Băng Ngọc
Xin chào Băng Ngọc,
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu công việc bạn đang làm có thu nhập cao không, khi theo chia sẻ trong Là Nhà, bạn đi Pháp 2 tháng cũng như đã mua được nhà?
Công việc tạo ra thu nhập chính cho mình là thiết kế nội dung marketing (content marketing). Viết thơ và dịch thuật vốn không phải là hai công việc để mình kiếm tiền, mà là nơi để mình có thêm trải nghiệm, kiến thức và chiều sâu. Chính hai công việc này đã mở ra cho mình nhiều cơ hội để được đi và gặp gỡ những người thú vị.
Chuyến đi Pháp của mình trọn vẹn không phải vì có rất nhiều tiền, mà thực ra là có rất nhiều bạn. Trong suốt hành trình 2 tháng ở Pháp, dạo chơi từ miền Bắc tới miền Nam, mình đã được ở lại rất nhiều nhà của bạn bè, được cảm nhận sự đón tiếp ấm áp và cởi mở mà mình tin rằng cho dù có nhiều tiền cũng không thể mua được.
Sau 6 năm đi làm, việc mua được một căn nhà nhỏ ở Phan Rang là điều không quá xa vời đâu. Nhìn ra xung quanh có khi mình là đứa nghèo nhất so với bạn bè cùng trang lứa ấy chứ (haha).
Từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để làm việc và cũng đã trải qua nhiều công việc, theo bạn để có một thu nhập ổn định người trẻ cần trau dồi những điều gì?
Tính từ “ổn định” vốn không nằm trong từ điển của mình. Mình cảm thấy ổn định có thể là một trạng thái ngăn chặn sự phát triển. Cuộc sống luôn chuyển động và có nhiều biến động, nên mình nghĩ rằng những người trẻ như mình cần giữ tinh thần tò mò ham khám phá và không ngừng sẵn sàng tiếp thu cái mới. Cơ hội sẽ chỉ đến với những người luôn sẵn sàng với mọi khả năng.
Hãy hình dung cuộc sống giống như một điệu nhảy đi. Nếu cuộc sống chuyển động, mình cũng cần uyển chuyển và linh động theo nó để điệu nhảy được hài hoà. Sự hài hòa đó có thể mang lại không chỉ thu nhập ổn định mà còn cả chất lượng cuộc sống ổn định nữa.
Bạn có đặt nặng thu nhập trong công việc không?
Thu nhập chắc chắn là một tiêu chí để đánh giá công việc. Theo mình một công việc thú vị và có nhiều tiềm năng phát triển thì không thể là một công việc có thu nhập thấp. Ngay cả đối với việc sáng tác thơ của mình, nó đã mở ra cho mình rất nhiều cơ hội để làm việc ở đa dạng các ngành nghề liên quan đến ngôn ngữ và nghệ thuật.
Mình rõ ràng sẽ không nhận một công việc, hiện tại không thể nuôi sống bản thân, tương lai có vẻ cũng không có khả năng phát triển. Nhưng mình không phải là người lấy tiền bạc làm mục đích, cho dù trong cuộc sống hay trong công việc. Mục đích của mình là tự do, cởi mở, tận hưởng, hướng đến cái đẹp… và trên con đường hướng tới mục đích đó thì tiền bạc là một cột mốc chỉ đường. Hãy lưu ý rằng chúng ta ai cũng cần tiền để sống, nhưng một người lấy tiền bạc hay thu nhập vật chất làm mục tiêu sẽ có chất lượng đời sống khác với người có mục tiêu là lý tưởng và đam mê nào đó.
Bên cạnh đó, nếu nền kinh tế không biến động, mình nghĩ sẽ có những khía cạnh khác trong cuộc sống biến động. Giống như biển lúc nào cũng có sóng vậy. Mình tin là con thuyền tốt nhất là con thuyền được làm đúng chức năng của nó. Nếu nó là thuyền đánh cá, chúng ta không nên dùng nó để chở hàng. Kinh tế nói riêng hay cuộc sống nói chung càng biến động, chúng ta lại phải càng vững vàng trong câu chuyện hiểu bản thân mình, phải hiểu rồi mới biết khả năng của mình là gì, từ đó phát triển và mở rộng khả năng đó. Khi khả năng của mình được nuôi dưỡng vững vàng, tự nó sẽ có thể mở rộng và chuyển biến, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu, hoàn cảnh xung quanh.
Nhiều người cho rằng còn trẻ thì khó có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc, theo bạn điều này có đúng không? Và nếu được lựa chọn, bạn sẽ ưu tiên khía cạnh nào hơn?
Điều này đúng với hầu hết các bạn trẻ bây giờ. Áp lực cuộc sống quá lớn, công việc có cạnh tranh cao, tâm lý cố gắng phấn đấu và tích lũy để cuộc sống sớm ổn định… khiến nhiều người sẽ bị mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Mình đã từng thử sống như vậy và nhận ra rằng đó không phải là điều mình muốn. Từ thời điểm đó, mình đã lựa chọn một lối đi khác phù hợp hơn với mình. Nếu tìm kiếm sự ổn định ở những giá trị bên ngoài, chúng ta sẽ dễ lạc đường. Sự ổn định thực sự phải được tìm thấy ở bên trong. Tinh thần ổn định sẽ mang lại một đời sống "ổn định", vì nó sẽ giúp mình ứng phó tốt với những biến động của cuộc sống xung quanh.
Làm việc tại TP Hồ Chí Minh, vậy tại sao bạn lại hướng đến mua nhà ở Phan Rang. Liệu đây có phải là chốn lui về để nghỉ dưỡng hay không?
Hiện tại cuộc sống của mình vẫn gắn liền với thành phố vì công việc và các mối quan hệ. Ở thành phố, mình cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận đến văn hóa và nghệ thuật chất lượng cao. Căn nhà ở Phan Rang là nơi để mình thỉnh thoảng lui tới nghỉ ngơi thay đổi không khí, sống gần với thiên nhiên. Mình cũng có dự định biến nơi này thành một không gian để chia sẻ "cảm giác sống".
Căn nhà sau cải tạo của Băng Ngọc
Một căn nhà mà ít khi có người tới ở thì nó cũng không được ấm áp. Tuy nhiên mình cũng không muốn biến nhà mình thành một dạng dịch vụ homestay thông thường. Thay vì thế, mình muốn đây là nơi để mình có thể chia sẻ những tác phẩm văn học bản thân yêu thích, cùng các tác phẩm hội họa mình sưu tầm. Những điều này là một phần không thể thiếu của nhà mình, những vị khách tới ở sẽ có thể cùng chia sẻ cảm nhận. Mong muốn của mình là căn nhà này sẽ mang lại một "cảm giác sống" chất lượng và có chiều sâu hơn, từ đó tái tạo năng lượng tích cực cho những người sống trong nó. Đây cũng là nơi mà mình dự định sẽ hợp tác với các nhạc sỹ, ca sỹ hoặc những người đam mê nghệ thuật để tổ chức những buổi giao lưu, gặp mặt, art tour… trong một không gian ấm áp, gần gũi và thân thiện.
Tương lai xa hơn, khi công việc của mình nhẹ nhàng hơn, mình cũng có dự định đây sẽ là nơi luân phiên sống lâu dài ổn định, cùng với căn hộ của mình ở Sài Gòn và nhà của bố mẹ mình ở Hà Nội.
Mua căn nhà đầu tiên một cách nhanh gọn khi nhìn qua ảnh và chốt sau 1 tuần, nhiều người cho rằng đây là quyết định khá chóng vánh, thiếu cân nhắc. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Có lẽ mình là người quyết đoán. Khi mình hiểu bản thân hơn và biết mình muốn gì, mình có thể ra quyết định rất nhanh chóng. Trước khi mua bất cứ thứ gì, về cơ bản mình sẽ cần suy nghĩ hai vấn đề chính: nó có thực sự "dành cho mình" hay không, và mình có đủ tiền để chi trả không.
Khi nghĩ một cách rõ ràng theo hai tiêu chí này thì mua một bộ quần áo hay một căn nhà cũng tương tự như nhau. Mình cần nhiều thời gian hơn để giải quyết câu hỏi: Điều này có phù hợp với mình không, mình có thực sự yêu nó không, nó có thật sự "vừa" với lối sống và cá tính của mình không? Nếu câu trả lời là có thì mình sẽ nhìn vào số tiền trong ngân hàng của mình, liệu mình có đủ khả năng để chi trả hay không. Điều này thì lại dễ biết hơn (cười).
Phan Rang không phải là một thành phố lớn và căn nhà mình mua cũng chỉ vừa nhỏ thôi. Bởi vậy mà vấn đề chi trả cho nó cũng không gây cho mình áp lực quá lớn. Nhà vừa nhỏ, áp lực vừa đủ.
Băng Ngọc nghĩ sao về câu chuyện hiện nay nhiều bạn trẻ “bỏ phố về quê” để mua nhà, có phải vì nhà ở những khu vực này thường có giá thấp hơn?
Có lẽ chi phí chỉ là một phần nguyên nhân. Mình nghĩ cuộc sống ở thành phố tuy sôi động nhưng ngột ngạt và nhiều áp lực. Điều này khiến nhiều người trong thế hệ trẻ chúng mình cảm thấy bị "thiếu ôxi". Khi hình dung về tương lai, nhiều người sẽ có xu hướng hình dung ra viễn cảnh được “thoát” khỏi những áp lực ở thành phố và tận hưởng cuộc sống dễ chịu, đơn giản và gần thiên nhiên.
Điều gì khiến bạn quyết định mua 1 căn nhà cũ rồi cải tạo lại thành vì mua căn hộ hay mảnh đất rồi xây dựng mới?
Bản thân căn nhà này rất lãng mạn và giàu cảm xúc. Ấn tượng về căn nhà nhỏ xinh đẹp dưới bóng cây to khiến mình xúc động đến mức quyết định mua nó rất nhanh. Trước đó mình vốn dĩ chưa có kế hoạch mua tài sản lớn như căn hộ hay đất đai để ổn định. Bây giờ các dự án căn hộ có khá nhiều lựa chọn phù hợp về giá tiền, nhưng mình vẫn chưa cảm thấy có cảm giác "là nhà" với bất cứ dự án căn hộ nào trong tầm với. Trong khi mua đất thì chi phí xây dựng nhà từ đầu thường sẽ rất cao. Mình nghĩ có lẽ là mình may mắn khi có thể gặp được căn nhà "định mệnh" của mình mà đồng thời cũng nó cũng nằm trong khả năng chi trả.
Nhiều người cho rằng cải tạo nhà cũ sẽ tiết kiệm hơn, theo mình thấy lựa chọn đó sẽ có một số lợi thế nếu có thể tận dụng lại kết cấu cũ của căn nhà mà không phải đập phá và xây thô lại quá nhiều. Nhưng ngược lại, nếu phải sửa lại quá nhiều vào phần khung và móng của căn nhà thì chi phí sửa nhà cũ có thể tương đương hoặc thậm chí cao hơn xây nhà mới, vì còn phải tính đến chi phí bốc dỡ và đổ phế liệu xây dựng.
Theo trải nghiệm cá nhân của Băng Ngọc, những yếu tố nào giúp chủ nhà và KTS có thể dễ dàng làm việc với nhau hơn?
Cá nhân mình cho rằng KTS là người đóng vai trò tư vấn hỗ trợ nhằm cụ thể hóa mong muốn của chủ nhà. Vì thế để dễ dàng làm việc với nhau, về phía chủ nhà cần hiểu được mình muốn gì, nhu cầu của mình là gì. Thậm chí cần mô tả thói quen sinh hoạt, sở thích và sở ghét hàng ngày,… để KTS có thể có cái nhìn chi tiết, xác thực nhất có thể. Về phía KTS thì cần sẵn sàng lắng nghe, tôn trọng thói quen, mong muốn của chủ nhà để đưa ra các phương án tư vấn thiết kế, tái hiện lại phong cách và mong muốn của chủ nhà dưới dạng bản vẽ.
Chỉ cần vượt qua được giai đoạn dựng bản vẽ, chủ nhà và KTS có được thống nhất chung thì mình nghĩ trong giai đoạn sau, quá trình thi công hoàn thiện sẽ ít áp lực hơn. Vì lúc này các chỉnh sửa chỉ là tinh chỉnh dựa vào tình hình và nhu cầu thực tế. Vai trò của KTS là yếu tố quan trọng tiên quyết, vì ngoài việc có năng lực kỹ thuật tốt, KTS cũng cần phải có khả năng đồng cảm lớn để nắm bắt được chính xác nhu cầu của chủ nhà.
Để có những cuộc gặp gỡ mang lại hiệu quả cao, Băng Ngọc cho rằng chủ nhà nên chuẩn bị gì trước khi đến gặp KTS?
Trước khi đến gặp KTS, mình nghĩ chủ nhà cần chuẩn bị trước một số thứ cụ thể như:
- Sơ đồ thửa đất/căn nhà cùng với một số thông tin cơ bản như địa điểm, địa chỉ, tình trạng hiện tại, diện tích, môi trường xung quanh,… nhằm giúp KTS phần nào hình dung ra bối cảnh thi công và thiết kế.
- Các hình ảnh hoặc ý tưởng về phong cách kiến trúc và nội thất mà mình mong muốn cho căn nhà của mình.
- Cụ thể hóa nhu cầu công năng phù hợp với nhu cầu cá nhân của mình. Ví dụ như với căn nhà Phan Rang, mình có yêu cầu ngoài việc bố trí hợp lý các không gian cơ bản, KTS cần ưu tiên cho hai điều: vườn và sách. Mình cũng không có nhu cầu sử dụng tivi và không muốn có tivi trong nhà, điều này cũng phải được nhấn mạnh ngay từ đầu với KTS. Ngoài ra còn có các lưu ý nhỏ khác như nhà vệ sinh và nhà tắm cần tách riêng, mong muốn có bồn tắm, hệ thống tưới cây tự động, đèn vườn… cũng nên làm rõ từ đầu để KTS có thể dễ dàng đưa ra phương án thiết kế phù hợp.
Xin cảm ơn Băng Ngọc vì những chia sẻ!
Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn.
Là Nhà sẽ phát vào 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3 và 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp.
Chương trình được sản xuất bởi WOWMedia cùng Nhà phát triển BĐS Văn Phú - Invest (VPI) ; Nhà tài trợ Kim Cương Panasonic ; Đơn vị truyền thông và phát hành VCCorp - Admicro và VTV; Đơn vị hợp tác thương mại VCCorp - Adsponsor; đồng thời đưa tin trên ELLE Decoration , Group Nghiện Nhà và Happynest .