Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.
Khi quy định này được áp dụng, nhiều người từng phẫu thuật thẩm mỹ bày tỏ lo lắng liệu hệ thống có thể nhận diện được khuôn mặt hiện tại không. Giải đáp thắc mắc này, ông Vũ Mạnh Hưng – Giám đốc phát triển ngân hàng số VPBank chia sẻ trong chương trình Dòng chảy tài chính hôm 15/6 trên VTV.
Theo Giám đốc phát triển ngân hàng số VPBank, câu hỏi trên là thắc mắc ngân hàng nhận được nhiều trong quá trình thu thập dữ liệu khách hàng.
Hệ thống thu thập sinh trắc học hoàn toàn nhận diện được những chỉnh sửa nhỏ về phẫu thuật thẩm mỹ. Với những phẫu thuật lớn hay những người không may gặp tai nạn ảnh hưởng đến gương mặt, việc nhận diện qua ứng dụng khá khó khăn. Với trường hợp này, khách hàng có thể đến quầy để được hỗ trợ. Những trường hợp ngoại lệ ngân hàng sẽ có những cơ chế đặc thù.
Ngoài ra, ông cho biết thêm, bản chất của Quyết định 2345 không dừng giao dịch của khách hàng mà đảm bảo giao dịch trở nên an toàn hơn. Do 80-90% giao dịch của khách hàng là giao dịch dưới 10 triệu đồng, nên Quyết định này sẽ không làm cản trở cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Hiện đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip tại quầy; 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động; 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng Định danh và xác thực điện tử công dân (VNeID).
Khách hàng có thể bắt đầu bổ sung thông tin sinh trắc học (khuôn mặt) tại các điểm giao dịch hoặc trên ứng dụng ngân hàng điện tử, đồng bộ với dữ liệu được lưu trong chip trên CCCD. Việc cập nhật sớm thông tin sinh trắc học giúp người dùng tăng cường bảo mật, chủ động các kế hoạch tài chính và tránh ảnh hưởng giao dịch trong tương lai.