Chuyện những nhà vô địch ASIAD 2018 và mùa Tết 'ấm' nhất sau nhiều năm

Hiếu Lương |

Những tấm HCV ASIAD 2018 không chỉ giúp Việt Nam tự hào trên đấu trường quốc tế, đó còn là cơ hội để những VĐV có được một cuộc sống bớt vất vả hơn và có một cái Tết sung túc hơn nhiều so với những năm trước.

Cơ may mang tên ASIAD

Trong tiềm thức những VĐV pencak silat như Nguyễn Văn Trí hay Trần Đình Nam, chưa bao giờ họ dám nghĩ sẽ có được thu nhập cao đến thế trong một năm. 500 triệu đồng là thu nhập của mỗi người trong năm 2018. Tất cả bắt nguồn từ cơ hội và cũng là cơ may mang tên ASIAD 2018.

Á vận hội tổ chức trên đất Indonesia là lần đầu tiên pencak silat được đưa vào tranh tài. Đất nước xứ vạn đảo là quê hương của môn võ này, còn Việt Nam là đối trọng lớn nhất. pencak silat là kho vàng để nước chủ nhà Indonesia bám víu và đó cũng là nguyên nhân sâu xa nằm sau việc họ cố gắng đưa môn võ này trở thành một trong những nội dung thi đấu.

Chuyện những nhà vô địch ASIAD 2018 và mùa Tết ấm nhất sau nhiều năm - Ảnh 1.

Trần Đình Nam (đai đỏ) giành HCV ASIAD 2018 môn pencak silat. Ảnh: Anh Nguyễn.

Chuyện những nhà vô địch ASIAD 2018 và mùa Tết ấm nhất sau nhiều năm - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Trí là cá nhân thứ hai đem về HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Ảnh: Anh Nguyễn.

Nhưng không chỉ Indonesia, cơ hội giành thứ hạng cao vì thế mở ra với pencak silat Việt Nam và phần thưởng là 2 tấm HCV của Trần Đình Nam và Nguyễn Văn Trí. Cả hai thừa nhận, nếu không có ASIAD 2018, họ sẽ vẫn chỉ bám víu lấy đồng lương khoảng 6 triệu/tháng cùng với những khoản thưởng không đáng kể khi thi đấu tại các giải trong và ngoài nước.

Đình Nam gọi đó là cơ may, còn Văn Trí thì giãi bày: "Sau ASIAD, mọi người trong đội tuyển pencak silat đều nhận được kha khá tiền thưởng vì tất cả đều có huy chương. Năm 2018 này tất cả anh chị em trong đội đều vui hơn hẳn khi thu nhập cao hơn các năm trước, dẫu biết đây là năm hiếm hoi có được những khoản tiền như vậy".

Tết năm nay cũng đến sớm với 4 cô gái giành HCV rowing nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ là Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Phạm Thị Thảo. Tấm HCV đầu tiên của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 là khoảnh khắc khó quên với nước mắt và quốc ca lần đầu tiên vang lên trên đất Indonesia.

Chuyện những nhà vô địch ASIAD 2018 và mùa Tết ấm nhất sau nhiều năm - Ảnh 3.

4 cô gái của đội rowing và niềm vui với tấm HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Ảnh: Quang Lê.

Niềm hạnh phúc ấy chưa thể quên nhưng có một niềm vui cũng lớn không kém là tiền thưởng. 4 cô gái với làn da sạm nắng, gương mặt xương xương, gầy gò đều nở nụ cười tươi và chẳng hề giấu giếm.

Hơn 1,2 tỷ đồng là khoản thưởng họ nhận được với tấm HCV ASIAD 2018. Chia đều cho 4 chị em, mỗi người cũng có 300 triệu cầm tay. "Chưa bao giờ tin sẽ có nhiều tiền đến thế", chị cả Phạm Thị Thảo giãi bày.

Ba người còn lại thì hẳn sẽ không quên chữ duyên. Hồ Thị Lý bỏ nghề phụ hồ để đến với thể thao. Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo lần lượt rời bơi lội và điền kinh để thử sức với rowing và cả ba được tưởng thưởng xứng đáng.

Nhà vô địch đi bán khoai và ước mơ không còn phải đi thuê nhà

"Nếu có duyên, tôi sẽ mở xưởng bán khoai lang thường, khoai lang nướng ở Hà Nội", Bùi Thị Thu Thảo, nhà vô địch nhảy xa nữ ASIAD 2018, nói thẳng thừng, chẳng ngại ngần giấu giếm.

Sau ASIAD 2018 đến đầu năm 2019, Thảo đã bán được 1,5 tấn khoai lang thương hiệu làng Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội. Bán hết cho gia đình, Thảo còn bán hộ các cô, các thím trong họ và đem về nhiều nụ cười hơn cho ngôi làng thuần nông.

Chuyện những nhà vô địch ASIAD 2018 và mùa Tết ấm nhất sau nhiều năm - Ảnh 4.

Bùi Thị Thu Thảo giờ trở thành nhà vô địch ASIAD kiêm bán khoai lang online. Ảnh: Chụp màn hình.

Thảo kể: "Tôi cũng tự tay đi chuyển khoai tới mọi người. Khi đi giao hàng, nhiều người cũng hỏi tại sao là nhà vô địch ASIAD mà còn đi bán khoai. Tôi muốn mọi người biết đến thương hiệu khoai lang của làng tôi, đồng thời, giúp gia đình có thêm thu nhập. Tôi cũng muốn thử xem nghề giao hàng vất vả thế nào".

Như bao năm, Thảo không có tiền thưởng Tết. Muốn sắm sửa Tết, cô bảo chỉ có trông chờ vào lương trong năm và cố gắng thi đấu thật tốt để có tiền thưởng. "Năm nay, tôi nhận tổng tiền thưởng 800 triệu đồng nhờ giành HCV ASIAD và các giải khác", cô gái có biệt danh "Thảo bò vàng" nói. Tính thêm cả tiền lương 10 triệu đồng/tháng cho VĐV trọng điểm, Thu Thảo cũng có gần 1 tỷ đồng trong năm Mậu Tuất.

Nhưng thế chưa đủ, cô gái sinh năm 1992 muốn có nhà riêng ở Hà Nội. Hai vợ chồng Thảo hiện giờ vẫn đang thuê nhà gần Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Nhổn với giá 2,5 triệu đồng/tháng. "Tôi và chồng đã cố gắng tích góp nhưng vẫn chưa đủ", Thảo giãi bày.

Không như bóng đá, có những nhà tài trợ kéo đến nườm nượp, Thu Thảo hay hai VĐV pencak Silat, 4 VĐV rowing đều hiểu sức hút của bộ môn mình đang theo đuổi chưa đủ lớn, dù trong đó có những môn thể thao cơ bản, quan trọng bậc nhất ở Olympic.

Họ biết chỉ có thể trông chờ thu nhập vào lương và những khoản thưởng từ những tấm huy chương. Để làm được điều đó, không gì khác, tất cả phải cố gắng tập luyện và quả ngọt có thể rụng xuống như năm 2018 vừa qua. Các VĐV cũng nhận ra đời VĐV rất ngắn và không phải lúc nào tấm HCV ASIAD cũng lựa chọn họ làm chủ nhân.

Chuyện những nhà vô địch ASIAD 2018 và mùa Tết ấm nhất sau nhiều năm - Ảnh 5.

Bùi Thị Thu Thảo giành tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại đấu trường châu lục. Ảnh: Tiến Tuấn.


Khi VĐV Việt Nam không trông chờ vào thưởng Tết

Thu Thảo, Đình Nam, Văn Trí và 4 VĐV rowing là những thiểu số trong bức tranh còn nhiều ảm đạm của thể thao Việt Nam. Những khoản thưởng như của Thu Thảo năm 2018, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (HCV Olympic) năm 2016 là ngoại lệ hiếm hoi của thể thao Việt Nam. Phần đông vẫn phải trông chờ vào đồng lương cứng.

Nhắc đến Tết, nếu những nghề khác có thể trông chờ vào thưởng dịp này thì các VĐV Việt Nam gần như không bao giờ nghĩ đến. Họ không có thưởng hoặc nếu có cũng rất ít. Như VĐV điền kinh Quách Thị Lan, HCB 400 m rào nữ tại ASIAD 2018, nhận được 700.000 đồng thưởng Tết từ cơ quan chủ quản Sở Thể thao Thanh Hoá. Nguyễn Huy Hoàng, HCB 1500 m bơi tự do nam ASIAD 2018, cũng chỉ nhận được bó hoa động viên.

Trong bối cảnh các môn thể thao vẫn chưa thể tìm được nhà tài trợ, ngân sách hoạt động chủ yếu từ Nhà nước thì những nỗi khắc khoải của các VĐV sẽ vẫn còn. Thưởng Tết là một phần rất nhỏ trong câu chuyện lớn mang tên thu nhập của VĐV thể thao, những người dành ra từ 20 đến 30 năm cuộc đời để tập luyện và thi đấu, 10 năm để tận hưởng đỉnh cao trước khi lui vào quá khứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại