Chuyện 'nhím' và 'rùa'?

Hoài Giang |

Chúng ta hẳn không còn lạ gì những chiếc tăng thiết giáp được bổ sung lớp giáp tự chế được gọi là "xe tăng rùa". Và đây là một "biến thể" hoàn toàn mới.

"Nhím"

Ít ngày trước, một tweet (bài viết trên mạng xã hội X/Twitter) của nhà phân tích thuộc tổ chức FPRIA (Foreign Policy Research Institute’s Eurasia/Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Á-Âu) Rob Lee đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới phân tích công nghệ quốc phòng.

Cụ thể vị Cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (US Marine) đã đăng tải một video dài hơn 1 phút (có nguồn từ kênh tin tức "Exilenova+" trên ứng dụng Telegram) cùng bình luận vỏn vẹn  3 từ "Russian hedgehog BTR" (Chú nhím BTR của người Nga).

Không khó để nhận ra "nhân vật chính" trong video này là chiếc BTR (Xe thiết giáp chở quân bánh lốp của Liên Xô/Nga) chưa rõ chủng loại (một số nhà phân tích cho là BTR-60) được bao bọc trong một mái che bằng kim loại với hai đầu được bảo vệ bởi các tấm lưới thép.

Tuy nhiên điểm đáng chú ý nhất không phải là bản thân khí tài hay lớp giáp tự chế đã trở nên quen thuộc với những cái tên như "xe tăng rùa" mà là một "nâng cấp" đặc biệt.

Đoạn video được ông Rob Lee đề cập.

Đó là hàng trăm thanh kim loại dài hàng chục cm được hàn một cách khéo léo xung quanh lớp giáp tự chế. Và đây cũng là lý do mà vị chuyên gia người Mỹ đã liên tưởng thứ này với một loài động vật nổi tiếng vì việc sử dụng bộ lông sắc nhọn để tự vệ.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng "chú nhím" trong video không phải là lần đầu tiên loại giải pháp phòng thủ tự chế này được ghi nhận xuất hiện bên phía lực lượng Nga tham gia "Chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO) ở Ukraine.

Cụ thể là vào tháng 6/2024, một video cho thấy thứ có triết lý thiết kế tương tự đã xuất hiện trên mạng xã hội VK (Nga) với điểm khác biệt chỉ là các thanh kim loại đã được tạo hình thành các khối hộp bên ngoài một chiếc "xe tăng rùa"

Trong bài viết bình luận về chủ đề này, các cây viết của trang tin Topwar.ru (Nga) đã nhấn mạnh như sau:

"Sự xuất hiện của những chiếc "xe tăng rùa" Nga được bảo vệ toàn diện trước máy bay không người lái Ukraine vốn không được chú ý quá nhiều. Nhưng vai trò của chúng trên chiến trường có thể đã trở nên rất quan trọng, khiến việc lặp lại sáng kiến này phổ biến hơn...

Thời gian sẽ cho biết kỹ thuật này sẽ có những bước phát triển ra sao trong tương lai, nhưng thực tế là chúng đang xuất hiện ở mọi hướng trên chiến trường..."

"Con nhím" đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Ukraine là vào tháng 6/2024.

Khác gì "rùa"?

Có lẽ câu hỏi khá ngắn gọn lúc này sẽ là "nhím" có gì khác so "rùa"?

Liệu việc bổ sung những cấu trúc kim loại này có cải thiện được khả năng phòng thủ của "xe tăng rùa" trước các mối đe dọa - đặc biệt là FPV Drone (Drone góc nhìn thứ nhất) trên chiến trường Ukraine?

Vào tháng 5/2024, trong bài viết được tờ Business Insider (BI) đăng tải, biên tập viên Mia Jankowicz đã dẫn lời các chuyên gia Phương Tây cho rằng "xe tăng rùa" của Nga vô dụng trước các Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hay Súng chống tăng vác vai (RPG).

Nhà phân tích của tổ chức RAND, đồng thời cũng là cựu chỉ huy đơn vị xe tăng của Anh ông Gian Gentile nhấn mạnh với BI rằng đa phần các biện pháp bảo vệ bổ sung kiểu này đều mang tính chất tâm lý.

Chúng là một loại "giả dược" - thuốc hay phương pháp trị liệu không có hiệu quả điều trị, làm cho bệnh nhân nghĩ rằng họ đang được điều trị tích cực và sẽ có hiệu quả - loại hành động người lính sẽ thực hiện trước khi chiến đấu nhằm làm họ thêm tự tin về việc có thể sống sót.

Trong một bài viết được đăng tải ít giờ trước trên Topcor.ru, nhà phân tích người Nga Eduard Perov cũng đưa ra nhận định tương tự như sau:

"... đạn lõm PG-7 của súng RPG-7 (B-41) có khả năng xuyên gần 1.000 mm gạch, 600 mm bê tông cốt thép và khoảng 1,5 mét công sự kết hợp giữa gỗ và đất.

Chuyện 'nhím' và 'rùa'?- Ảnh 1.

Kết quả thực nghiệm cho thấy tấm thép dày 10 mm đặt cách 30 mm so với giáp chính làm bằng thép cán dày 250 mm không thể cản được đầu đạn lõm PG-7.

... sau các thực nghiệm, kết luận chung là để khiến khả năng xuyên của đạn lõm PG-7 giảm xuống 0, khoảng cách giữa lớp giáp tự chế và lớp giáp chính ở mặt trước của khí tài phải là 1,5 mét... ở phần hông và đuôi phải là hơn 1 mét...

Ở các xe bọc thép có lớp giáp chính mỏng hơn, khoảng cách này nói chung phải là hơn 2 mét ở mọi hướng".

Điều này có nghĩa là nếu bị FPV Drone mang theo đạn PG-7 tấn công vào bất kỳ đâu, "Chú nhím BTR của người Nga" sẽ không có khả năng sống sót do lớp giáp chính của các xe bọc thép loại này chỉ dày dưới 10 mm.

Tuy nhiên cũng đừng quên rằng trong cùng cuộc phỏng vấn với BI, ông Gian Gentile cũng đề cập rằng loại giáp này "có khả năng bảo vệ nhất định" trước các loại đạn dược lảng vảng như FPV Drone.

Mặc dù vị chuyên gia Phương Tây không nói chính xác rằng khả năng này đến từ đâu nhưng rất có thể ông đang đề cập tới xác suất các cấu trúc phòng thủ rối rắm kiểu này sẽ gây khó khăn hơn cho nhiệm vụ của người điều khiển FPV Drone.

Cũng cần lưu ý rằng nhiều video gần đây đã cho thấy phía Ukraine phải mất khá nhiều thời gian cũng như lượng lớn FPV Drone trước khi thực sự vô hiệu hóa được một "rùa" chứ chưa nói đến "nhím".

Video cho thấy FPV Drone Ukraine phải mất rất nhiều thời gian để thực sự vô hiệu hóa một "xe tăng rùa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại