Bệnh nhân tâm thần trở thành thiên tài nhạc cổ điển

camnhung |

James Rhodes từng phải vào trại tâm thần, nhưng thật kì diệu là giờ đây ông đã trở thành nghệ sĩ piano nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới.

Cách đây 4 năm, James Rhodes là bệnh nhân trong một bệnh viện tâm thần ở London. Ở chính nơi này, anh đã nhiều lần định tự vẫn sau nhiều năm sa đọa trong tình dục và ma túy, từ bỏ công việc ổn định và trải qua một cuộc ly hôn. Hồi tháng 3, Rhodes trở thành nghệ sĩ piano nhạc cổ điển đầu tiên ký hợp đồng với hãng thu âm nhạc rock lớn - Warner Bros Records. Tháng tới, anh sẽ phát hành đĩa CD đầu tiên trong serie 6 album ký với hãng thu âm này.

1.Bất cứ một nghệ sĩ nào gặt hái thành công nhanh chóng đã là một chuyện đáng nói, nhưng từ một bệnh nhân tâm thần trở thành một ngôi sao của dòng nhạc kén khán giả như Rhodes thì thực sự là hiện tượng đáng khâm phục. Nghệ sĩ người Anh này luôn cố gắng thể hiện sự thân mật, kết nối với khán giả qua các màn trình diễn của mình, chẳng hạn như thường mặc quần jeans thể thao và áo phông, chứ không “diện” áo đuôi tôm truyền thống như thông thường. Anh cũng thường hay xen vào màn diễn nhạc phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng là những câu chuyện về văn hóa đại chúng.

Sinh năm 1975 trong một gia đình Do Thái trung lưu ở St John’s Wood, nhưng khi trưởng thành Rhodes luôn cảm thấy bị cô lập với bạn bè và gia đình và điều đó đã tác động mạnh tới quá khứ trụy lạc của anh từ khi còn là một học sinh. Ở tuổi vị thành niên, Rhodes đã “làm quen” với ma túy và đã khiến anh phải vào bệnh viện với nhiều vết thương ở lưng.

Nói cởi mở về cuộc sống đầy rắc rối của mình song anh khẳng định sẽ quyết tâm tiến bước. “Mãi gần đây tôi vẫn có những suy nghĩ tự giày vò mình, nhưng rồi đã tự thức tỉnh và cảm thấy thoải mái khi chôn vùi vào quá khứ chứng trầm cảm, việc lạm dụng tình dục, nghiện ma túy và những lần tự tử bất thành của mình”, nghệ sĩ piano tâm sự.

Trong những lúc vui hay đau khổ nhất, Rhodes thường tìm đến âm nhạc. Lên 7 tuổi anh đã “mê mẩn” bản concerto số 5 soạn cho piano - vẫn nổi tiếng với tên gọi là bản concertoEmperor- của Beethoven và bắt đầu tập chơi piano. 18 tuổi, anh được nhận học bổng tại trường Âm nhạc & Kịch nghệ Guildhall đồng thời học cả ngành tâm lý tại trường ĐHTH London để chiều theo ý cha mình. Nhưng rồi Rhodes đã “quay ngoắt” sang một công việc hoàn toàn khác khi trở thành giám đốc bán hàng cho một nhà xuất bản tài chính ở London và từ bỏ hẳn âm nhạc từ năm 18 tuổi đến 28 tuổi. Rhodes có một con trai tên là Eddie và sau khi ly hôn với vợ cũ - một nhà văn người Mỹ hiện giờ mỗi năm anh chỉ gặp con từ 3 đến 4 lần.

2.Rhodes cho biết, lý do anh trở lại với cây đàn piano là vì cậu con trai. Eddie từng hỏi tại sao anh không chơi đàn. Song áp lực thành công đã tiêu diệt phần lớn đam mê của anh. Năm 2006, Rhodes đã phải vào bệnh viện tâm thần. “Đó là hậu quả của nhiều vấn đề mà tôi không xử lý được trong quá khứ để rồi làm mất đi một sự nghiệp ổn định, hôn nhân tan vỡ”, Rhodes chia sẻ.

Nhưng sau đó, nhận được sự dìu dắt của nghệ sĩ dương cầm Franco Panozzo, nghệ sĩ Nga huyền thoại Grigory Sokolov, Rhodes đã tung ra 2 album đầu tay, gồmRazor Blades, Little Pills And Big Pianosnăm 2009 và hồi tháng 3 làNow Would All Freudians Please Stand Asidecùng hãng thu âm độc lập Signum Records. Cả 2 album này đều từng chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng iTunes. Album sắp phát hành của anh với Warner Bros Records mang tênPlaying Bullets And Lullabiesgồm 2 đĩa đơn, trong đó 1 đĩa CD là một số nhạc phẩm mang tiết tấu nhanh của Ravel và Chopin và đĩa CD thứ 2 là các nhạc phẩm có nhịp chậm hơn của Chopin và Brahms.

Thời gian này, Rhodes đang trình diễn hòa nhạc từ thiện tại nhà thờ Hinde Street ở London và tại Thính phòng Hoàng gia Albert, còn sang tháng tới anh tiếp tục đến với công chúng với một serie chương trình hòa nhạc cổ điển mang tênJames Rhodes: Piano Man, On Sky Arts.

( Theo Thể thao Văn hóa )

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại