Hệ thống sao vàng danh giá của Michelin có lẽ không xa lạ gì với chúng ta nữa. Một hệ thống gồm 3 bậc (1 sao - 2 sao - 3 sao) nhằm tôn vinh những nhà hàng đạt chất lượng hàng đầu. Và dù đạt 1 hay 3 sao, những nhà hàng đó đều được nâng cao danh tiếng đồng thời sở hữu giá cả đắt đỏ thuộc hàng top thế giới.
Nhưng có một thực tế là không phải cứ đạt sao Michelin thì sẽ đắt đỏ. Có những nhà dù đạt sao mà vẫn có giá hết sức bình dân, ai cũng có thể tiếp cận được, giống như tiệm cơm và mỳ gà quay Hawker Chan tại Singapore.
Chan Hong Meng - người sáng lập nhà hàng bình dân Hawker Chan
Hawker Chan được sáng lập bởi Chan Hong Meng (trước kia là Tiệm cơm và mỳ gà nước tương Liao Fan Hong Kong), trở nên nổi tiếng thế giới bởi món mì gà nước tương siêu ngon mà lại có giá cực kỳ "hạt dẻ" - chỉ 2,5 USD (tương đương khoảng hơn 50 ngàn đồng tiền Việt). Đó là mức giá rất bình dân nếu so với vị thế của một nhà hàng đạt sao Michelin từ năm 2016.
Sau khi đạt được ngôi sao danh giá, sự nghiệp của ông Meng thăng hoa. Thương hiệu từ Liao Fan được chuyển thành Hawker Chan, mở rộng thành một chuỗi nhà hàng nhượng quyền tại Thái Lan, Philippines và nhiều quốc gia khác, đồng thời có thêm nhiều món ăn mới.
Tuy nhiên trong danh sách mới công bố năm nay vào ngày 1/9 của Michelin, đã có sự thay đổi bất ngờ. Hawker Chan (trước kia là Tiệm cơm và mỳ gà nước tương Liao Fan Hong Kong) đã biến mất trong danh sách này.
Lấy lại giá trị cho Michelin?
Dù được nhiều người tán dương vì sự nỗ lực và độ thành công, nhưng kỳ thực chuỗi thương hiệu Hawker Chan đang bị đánh giá khá nhiều về chất lượng món ăn đi xuống. Theo KF Seetoh, chuyên gia ẩm thực người Singapore, việc Michelin tước sao của Hawker Chan là động thái "sửa sai" và bảo vệ giá trị cho họ.
Tuy không mong muốn nhưng đối với Seetoh, tương lai ngành ẩm thực của Singapore sẽ không chỉ dựa vào một bếp trưởng hay một nhà hàng nhất định nào cả. Vậy nên, việc Hawker Chan bị mất sao không gây ảnh hưởng gì nhiều.
"Về tổng thể, Michelin nên duy trì thế mạnh về quyền lực của mình với các nhà hàng, vì đây là lúc các nhà hàng cần họ nhất."
Singapore giống như nhiều quốc gia phụ thuộc vào du lịch khác đã bị Covid-19 đày đọa rất nhiều. Biên giới đóng cửa, thành phố phong tỏa, ngành ẩm thực của họ bị giáng một đòn rất nặng nề.
Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng cao đã giúp chính phủ Singapore dần mở cửa trở lại, xây dựng chiến lược sống chung an toàn với Covid-19.
Không phải nhà hàng nào cũng muốn có sao Michelin
Có thể đem lại danh tiếng, nhưng Sao vàng Michelin cũng đã hủy diệt không ít sự nghiệp của bếp trưởng.
Để được gắn sao, các nhà hàng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định: 1 sao là nhà hàng rất tốt trong các nhà hàng cùng loại, 2 sao là nhà hàng nấu ăn xuất sắc, đẳng cấp hàng đầu trong các nhà hàng cùng loại và 3 sao biểu thị nhà hàng có nghệ thuật ẩm thực đặc biệt.
Nhưng dù được gắn sao, không có nghĩa nhà hàng đó sẽ giữ được sao vĩnh viễn. Michelin hoàn toàn có thể hạ sao nếu nhà hàng đó không duy trì được chất lượng.
Một khi đã hạ sao (dù chỉ là từ 3 sao xuống 2 sao), danh tiếng của nhà hàng đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và nó có thể dẫn đến những sự vụ pháp lý rắc rối hơn.
Bếp trưởng Marc Veyrat khởi kiện Michelin
Năm 2019, bếp trưởng Marc Veyrat khởi kiện Michelin sau khi nhà hàng La Maison des Bois danh tiếng của ông bị hạ từ 3 sao xuống còn 2 sao. Veyrat cũng là bếp trưởng đầu tiên đứng ra kiện Michelin, và ông đòi hỏi các tiêu chuẩn "bí ẩn" của hệ thống này cần phải được minh bạch hơn, đồng thời công bố những cái tên đứng sau bản danh sách ấy.
Nhưng rốt cục Veyrat thua kiện. Tuy nhiên, ông không phải bếp trưởng duy nhất đứng ra phản đối Michelin. Như Eo Yun-gwon, bếp trưởng người Hàn Quốc sở hữu nhà hàng Ristorante Eo được trao sao Michelin vào năm 2019. Tuy nhiên, Eo lên tiếng khẳng định mình không muốn được thêm vào bản danh sách này một chút nào.
Eo Yun-gwon - bếp trưởng người Hàn Quốc
"Tôi đã đệ đơn khiếu nại hình sự với Michelin vì hành vi cố ý đưa tên nhà hàng của chúng tôi vào danh sách của họ trái với mong muốn," - Eo đăng tải trên Facebook như vậy.
"Việc đưa tên nhà hàng Eo vào một cuốn sách 'bỉ ổi' như vậy là một sự hạ nhục với các thành viên và thực khách của Eo. Họ làm việc như những bóng ma vậy, không có số điện thoại và tôi chỉ có thể liên hệ với họ bằng email. Dù tôi muốn từ chối đưa tên nhà hàng vào danh sách, họ vẫn cứ làm, và làm như thế trong nhiều năm qua với vô số các nhà hàng khác nữa."
Trong nhiều năm, Michelin đã bị chỉ trích rất nhiều vì tập trung quá mức vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi bỏ qua rất nhiều nền ẩm thực cao cấp khác trên thế giới.