Theo các chuyên gia, tư duy táo bạo, tầm nhìn đúng đắn, hành động cẩn trọng và cách tổ chức bài bản, căn cơ đã giúp VinFuture sớm tạo được uy tín quốc tế và tự khẳng định vị thế sánh ngang các giải thưởng khoa học - công nghệ uy tín lâu năm trên thế giới, như Nobel.
Tôn vinh các công trình tầm cỡ, có ý nghĩa lớn với nhân loại
Chiều 9/10/2023 (giờ Việt Nam), TS. Demis Hassabis (Anh) và TS. John Jumper (Hoa Kỳ) - đồng Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới - đã được trao giải thưởng Nobel Hóa học năm 2024 vì tạo nên mô hình AI dự đoán cấu trúc protein. Cùng chia sẻ giải Nobel Hóa học 2024 là GS. David Baker (Mỹ) nhờ thuật toán thiết kế protein của ông.
Năm 2020, TS. Hassabis và TS. Jumper đã công bố mô hình AI mang tên AlphaFold2. Với sự hỗ trợ của mô hình này, các nhà khoa học đã có thể dự đoán cấu trúc của gần 200 triệu protein được xác định bởi các nhà khoa học trước đây. Đến nay, AlphaFold2 đã được hơn nửa triệu nhà nghiên cứu từ 190 quốc gia truy cập và sử dụng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng trong thế giới thực, từ ô nhiễm nhựa đến kháng kháng sinh…
Hơn 60 năm qua, giới khoa học đã trăn trở tìm lời giải cho bài toán vĩ đại về việc tìm hiểu cấu trúc của protein. Bởi thế, sự ra đời của AlphaFold2 - Hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán cấu trúc 3D của Protein với tốc độ và độ chính xác chưa từng thấy, được xem là một thành tựu mang tính bước ngoặt.
Năm 2022, khi trao Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới cho TS. Demis Hassabis và TS. John Jumper, Hội đồng Giải thưởng VinFuture đánh giá đây là công trình tiên phong mang đến cuộc cách mạng trong việc mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những tiến bộ trong y sinh, y tế và nông nghiệp.
Đây không phải lần đầu tiên các Chủ nhân Giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế uy tín vì những phát minh có tác động tích cực to lớn đến nhân loại. Năm ngoái, hai Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên là TS. Katalin Karikó và và GS. Drew Weissman cũng được vinh danh ở giải Nobel Y học 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vắc-xin mRNA chống lại COVID-19.
Tầm nhìn, tính tiên phong và giá trị quốc tế hàng đầu của VinFuture
Việc các nhà học được vinh danh tại giải thưởng VinFuture - giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng, sau đó lại được Nobel xướng tên khiến cộng đồng các nhà khoa học trong nước không khỏi tự hào.
TS. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng sự trùng hợp không phải ngẫn nhiên mà là minh chứng cho thấy đẳng cấp tương đồng của VinFuture và Nobel. Các công trình được trao giải đều có tầm cỡ, ý nghĩa với thế giới, góp phần giải quyết các vấn đề bấp bách trên toàn cầu.
Trước TS. Demis Hassabis và TS. John Jumper, hai Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên là TS. Katalin Karikó và và GS. Drew Weissman cũng được vinh danh ở giải Nobel Y học 2023.
"Việc VinFuture và Nobel cùng vinh danh các công trình này khẳng định tầm nhìn, sứ mệnh và và tiêu chí đánh giá của Giải thưởng từ Việt Nam rất sát, kịp thời và thiết thực với thời đại ngày nay. Định hướng, sứ mệnh của VinFuture có tính nhân loại, tính toàn cầu và tính đúng đắn", nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá.
GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng bày tỏ niềm vui và sự tự hào khi các chủ nhân VinFuture tiếp tục được Nobel vinh danh. Ông nhấn mạnh, điều này thể hiện tầm nhìn và tính tiên phong của Giải thưởng VinFuture ở tầm toàn cầu, thể hiện giá trị quốc tế hàng đầu của Giải thưởng về khoa học công nghệ và thực tiễn.
"Giải thưởng VinFuture đã được tổ chức một cách khoa học, chính xác và uy tín, tập hợp nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới tham gia Hội đồng Giải thưởng; có bộ tiêu chí đánh giá đúng tầm, khoa học và hiệu quả; đủ sức hút để tập hợp nhiều đề cử giải thưởng với hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn cao", GS. Lê Anh Tuấn đánh giá.
Chung quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thuỷ sản Việt Nam (VINAFIS), Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), đánh giá kết quả nói trên là thước đo về tầm nhìn xa, trông rộng của Giải thưởng quốc tế VinFuture. Dù "sinh sau, đẻ muộn" nhưng với tầm nhìn đúng, trúng, có tính đón đầu cùng Hội đồng Giải thưởng đủ năng lực và bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, thực tế, VinFuture đã gặt hái được "hoa thơm, trái ngọt". VinFuture cũng đã thể hiện tính tiên phong và vượt trội, sánh ngang với các giải thưởng khoa học - công nghệ uy tín lâu năm trên thế giới.
"Tư duy táo bạo, tầm nhìn đúng đắn, hành động cẩn trọng và cách tổ chức bài bản, căn cơ đã giúp VinFuture sớm tự khẳng định vị thế của mình và chiếm lĩnh được niềm tin không chỉ của người Việt Nam, mà còn khẳng định uy tín trên trường quốc tế. Ngày nay và tiếp tới, VinFuture là và sẽ là một mắt xích, một thực thể "liên kết, hợp tác và chia sẻ" không thể tách rời trong hệ sinh thái giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu", PGS. Chu Hồi nhận định.
Trong khi đó, sau 4 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, GS. Sir. Richard Henry Friend, khẳng định VinFuture đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng khoa học thế giới. Minh chứng là các đề cử khoa học theo từng mùa đang tăng lên theo cấp số nhân.
Giải thưởng VinFuture đã chuẩn bị bước sang mùa thứ 4, số lượng đề cử khoa học của Giải thưởng từng mùa đang tăng theo cấp số nhân.
Cụ thể, bước sang mùa giải thứ 4, VinFuture có số lượng các nhà khoa học quốc tế trở thành đối tác đề cử lên tới 9.101, tăng gấp gần 8 lần, số lượng đề cử lên tới 1.469, tăng 2,5 lần so với mùa đầu tiên. Những con số ấn tượng đã cho thấy tầm vóc, sự lan tỏa và uy tín quốc tế của VinFuture. Giải thưởng đã góp phần thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.
"Điều đó thật sự truyền cảm hứng, chứng minh rằng Việt Nam cũng đang dần trở một trong những điểm đến thu hút các tài năng khoa học hàng đầu thế giới", GS. Friend nhấn mạnh.