Theo SCMP, các nhà nghiên cứu từ Viện Địa chất và Địa vật lý Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cho một phái đoàn Triều Tiên ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 9/2017 về mối đe dọa nổ tại vùng núi nhà máy hạt nhân Punggye Ri, cách biên giới Trung Quốc khoảng 80 km.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố đã cho nổ một quả bom hydro tại cơ sở Punggye-ri vào ngày 3/9, một nhà khoa học hạt nhân lâu năm của Trung Quốc cảnh báo rằng các cuộc thử nghiệm trong tương lai tại cơ sở này có thể gây sụp đổ nghiêm trọng và thổi bay đỉnh núi.
Hình ảnh vệ tinh được cho là khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: BBC)
Hai ngày sau cuộc gặp của các nhà khoa học tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã thông báo bất ngờ trước Liên Hợp Quốc ở New York rằng Bình Nhưỡng có thể đang xem xét đến khả năng cho nổ một quả bom hydro "mạnh nhất" khác trên Thái Bình Dương.
Ông Ri Yong-pil, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên trả lời CNN rằng phát biểu của ông Ri Yong-ho nên được hiểu theo nghĩa đen.
Viện địa chất Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ các thử nghiệm của Triều Tiên quanh khu vực biên giới và công bố những gì mà các nhà khoa học tin là vị trí sắp xếp và chiều sâu của các đường hầm dưới lòng đất tại địa điểm thử nghiệm.
Vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên ước tính có sức lớn hơn tất cả các vụ nổ hạt nhân trước đó. Sau đó nhiều trận động đất và sạt lở đất đã xảy ra ở nơi thử nghiệm, khiến khu vực này vô cùng thiếu vững chắc.
Theo SCMP, cả 5 thử nghiệm hạt nhân trước đó của Triều Tiên đều diễn ra dưới cùng một ngọn núi, bom được vận chuyển dọc theo một đường hầm nằm ngang tới giữa núi rồi hạ xuống dốc đứng lên đến 2km.
Một số nhà khoa học Trung Quốc cho biết nguy cơ xảy ra nổ ở khu vực này là lớn hơn bao giờ hết. Ngoài ra nguy cơ chất phóng xạ rò rỉ và thổi qua biên giới là không thể tránh khỏi. Họ cho rằng Triều Tiên nếu muốn tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân thì phải tìm một địa điểm mới khác với dãy núi Punggye Ri.