Chuyên gia: TQ đầy tham vọng, không ngại chơi chiêu "lá mặt lá trái" với cả Mỹ và châu Âu

Thủy Thu |

Theo chuyên gia Thụy Sĩ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ quên mục tiêu cơ bản biến Trung Quốc thành một siêu cường hiện đại mà các nước khác không dám qua mặt.

Trung Quốc "thâu tóm" châu Âu

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới. Trên nền tảng kinh tế phát triển thành công, nước này đã dần đứng ở vị trí trung tâm của vũ đài chính trị thế giới.

Trung Quốc ngày nay có nhiều tham vọng hơn so với trước đây và mục tiêu của Bắc Kinh không chỉ là trở thành một cường quốc khu vực, mà còn trở thành một cường quốc toàn cầu, ông Anu Anwar, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc người Thụy Sĩ, thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS nhận định.

Thực tế, vào tháng 10/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra trong báo cáo của Đại hội toàn quốc lần thứ 19 rằng, Trung Quốc sẽ "trở thành một quốc gia dẫn đầu có sức mạnh toàn diện và sức ảnh hưởng quốc tế" vào năm 2050.

Để hiện thực hóa chiến lược đầy tham vọng này, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở nhiều nơi trên thế giới thông qua lĩnh vực kinh tế và chính trị, tuy nhiên, đối với nhiều nhà phân tích phương Tây, Trung Quốc chỉ là một cường quốc xét lại.

Theo ông Anwar, Trung Quốc hiện đã gia tăng ảnh hưởng không chỉ ở châu Phi mà thậm chí ở cả châu Âu như Sip, Cộng hòa Séc, Bồ Đào Nha v.v...

"Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một số quốc gia này đã trở thành "thành trì" của Trung Quốc ở châu Âu, trong khi các nước khác trở thành một phần trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc.

Để cân bằng sự phức tạp trong mối quan hệ Trung-Mỹ, Bắc Kinh đã thi hành các chính sách, bao gồm sáng kiến Vành đai và con đường, nhằm thúc đẩy toàn diện sự hiện diện của Trung Quốc trên toàn châu Âu", chuyên gia Thụy Sĩ nhận định.

Trung Quốc đã thành công trong việc định hình một xu thế mới - ở các quốc gia như Cộng hòa Séc và Hy Lạp, cách truyền thông và giới tinh hoa chính trị nói về Trung Quốc đã hoàn toàn khác so với 20 năm qua.

Các nước này đã thiết lập một liên kết mới với Trung Quốc, cộng đồng doanh nghiệp địa phương liên kết chặt chẽ với các công ty Trung Quốc, người dân bản địa đã bắt đầu học tiếng Trung tại các trường đại học lớn, Học viện Khổng Tử hoặc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc.

Chuyên gia: TQ đầy tham vọng, không ngại chơi chiêu lá mặt lá trái với cả Mỹ và châu Âu - Ảnh 1.

Chuyên gia Thụy Sĩ nói, Trung Quốc không còn coi trọng châu Âu như trước đây. Ảnh: AP

Trong hai năm qua, giới học thuật và chính sách châu Âu đã bắt đầu chú ý đến nền kinh tế địa chính trị ngày càng phát triển của Trung Quốc.

Trước sự tập trung của Trung Quốc đối với lĩnh vực năng lượng, giao thông, bến cảng, thiết bị sân bay, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật số, nội bộ châu Âu đã dấy lên một cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều, bởi Trung Quốc có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội châu Âu thông qua các lĩnh vực này.

Theo thống kê của tập đoàn Rhodium của Mỹ, đầu tư của Trung Quốc vào EU đã tăng vọt từ mức 20 tỷ euro (năm 2015) lên 36 tỷ euro (năm 2016). Hầu như các nước châu Âu đều hoan nghênh các khoản đầu tư trên bởi hai bên đều được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại này.

Xu thế khu vực

Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu cho thấy một xu hướng khu vực mạnh mẽ. Ở Đông Âu, trọng tâm của đầu tư Trung Quốc là củng cố các liên kết cơ sở hạ tầng giữa lục địa châu Âu và các quốc gia dọc theo sáng kiến Vành đai và con đường ở phía đông.

Tại Nam Âu, các công ty Trung Quốc đã tham gia vào làn sóng tư nhân hóa kể từ cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Ví dụ, ở Bồ Đào Nha, doanh nhân Trung Quốc thường mua lại cổ phần tại các cảng, hãng hàng không, khách sạn và các công ty điện lực lớn. Ngoài ra, Trung Quốc đã viện trợ vốn cho Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng.

Ở Đức, Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Chuyên môn của một số công ty Đức sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu chiến lược "Made in China 2025" và giúp Trung Quốc tiếp tục tự chủ về công nghệ công nghiệp.

Vào tháng 2 năm 2018, một doanh nghiệp Trung Quốc đã mua gần 10% cổ phần của Daimler, công ty mẹ của Mercedes-Benz, khiến chính quyền Đức giật mình.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang sử dụng sức mạnh tài chính để đổi lấy ảnh hưởng chính trị. Tổng thống Milos Zeman hy vọng rằng, Séc sẽ trở thành "tàu sân bay không bao giờ chìm" của Trung Quốc tại châu Âu.

Vào thời điểm "Vụ kiện trọng tài Biển Đông" đang diễn ra căng thẳng, Hungary và Hy Lạp đã ngăn EU bày tỏ sự ủng hộ đối với kết quả vụ kiện. Trước tình hình này, những người châu Âu thận trọng sẽ tự nhiên cảm thấy lo lắng.

Theo chuyên gia Thụy Sĩ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ quên mục tiêu cơ bản, đó là biến Trung Quốc thành một siêu cường hiện đại mà các nước khác không dám qua mặt.

"Đối với Trung Quốc, châu Âu là khu vực giàu có và tiềm năng, có thể giúp nước này đạt được mục tiêu. Trung Quốc cũng quan tâm nhiều hơn đến Mỹ và tin rằng Mỹ, với tư cách là một quốc gia đứng đầu lão làng có thể cản trở con đường của Trung Quốc.

Ở mức độ nhất định, Trung Quốc coi EU là đối tác tiềm năng hoặc thậm chí là hình mẫu nhưng hiện nay Trung Quốc không còn coi trọng châu Âu như trước đây, mà coi lục địa này như một siêu thị và có thể trích xuất lợi ích từ bất cứ lúc nào để giúp Trung Quốc phát triển. Điều này sẽ ngăn phương Tây đoàn kết kiềm chế Trung Quốc và vô hiệu hóa áp lực đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, ông Anwar bình luận.

Theo chuyên gia Thụy Sĩ, châu Âu, thậm chí Mỹ đều cần đánh giá lại xu thế mới này, dù tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ khiến Trung-EU xích lại gần nhau nhưng từ góc độ cạnh tranh, Bắc Kinh vẫn rất xem trọng quan hệ Trung-Mỹ.

Tình hình hiện tại đặt ra một thách thức đối với châu Âu, ông này nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại