Chuyên gia tâm lý chia sẻ: Tôi đã áp dụng 3 cách này mỗi ngày để gia tăng sự tự tin gấp bội

Thuý Phương |

Tự tin là niềm tin rằng bạn có thể đương đầu với những thách thức trong cuộc sống - và thành công. Nó đòi hỏi bạn phải tin tưởng vào bản thân và khả năng của mình, đặc biệt là dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ của bạn.

Jenny Maenpaa là một nhà trị liệu tâm lý và là người sáng lập của Forward in Heels - một phương pháp trị liệu ở thành phố New York. Cô thường xuyên giúp nữ giới tìm lại và làm chủ giá trị của bản thân mình.

Jenny Maenpaa cho rằng, sự tự tin khó có thể phát triển nếu trong lòng bạn vẫn phải vật lộn với sự lo lắng. Trước đây, chính cô cũng từng gặp những khó khăn như vậy. Sau này, cô bắt đầu thực hành trị liệu tâm lý để giúp những khách hàng gặp khó khăn tương tự đối phó và xây dựng lòng tự tin.

May mắn thay, có một số điều nhỏ bạn có thể làm để cảm nhận - và có cái nhìn rõ ràng hơn về giá trị của bản thân. Dưới đây là ba bài tập mà chính vị chuyên gia tâm lý cũng sử dụng hàng ngày để tự tin hơn rất nhiều:

Chuyên gia tâm lý chia sẻ: Tôi đã áp dụng 3 cách này mỗi ngày để gia tăng sự tự tin gấp bội - Ảnh 1.

Jenny Maenpaa

1. Chia các mục tiêu lớn thành những "miếng bánh vừa ăn"

Theo Jenny Maenpaa, cách làm này cung cấp cho bạn một kế hoạch dễ dàng hơn để từng bước đến gần mục tiêu cuối cùng. Và mỗi khi bạn hoàn thành một mục tiêu nhỏ, bạn sẽ có thêm động lực tiếp tục tiến về phía trước.

Lấy ví dụ, vị chuyên gia tâm lý chia sẻ rằng, gần đây cô lập kế hoạch thực hiện một thử thách tập thể dục và rèn luyện sức khỏe kéo dài 60 ngày.

Ban đầu, mọi chuyện thật khó khăn vì cô ấy đã quá tập trung vào việc tập thể dục trong 60 ngày liên tục. Do đó, cứ mỗi khi hoàn thành một buổi tập, thay vì phấn khích thì cô ấy lại nảy sinh lòng sợ hãi buổi tập tiếp theo. Cuối cùng, cô ấy mất tự tin vào tinh thần kỷ luật và khả năng thể chất của mình.

Sau khi cân nhắc lại toàn bộ kế hoạch, cô ấy đã quyết định thay đổi tư duy. Về bản chất, cô vẫn giữ nguyên mục tiêu cuối cùng, nhưng đồng thời thực hiện chia nhỏ mục tiêu cho mỗi ngày và tập trung vào điều đó.

Như vậy, cứ mỗi một lần hoàn thành một mục tiêu nhỏ, cô lại tự thưởng cho mình và trân trọng điều đó. Những lần tự thưởng nhanh chóng đem tới động lực mới: "Mình đã hoàn thành được những mục tiêu này trong mấy ngày vừa qua, chẳng có lý gì không thể tiếp tục trong ngày tiếp theo".

Cứ tiếp tục không ngừng, cuối cùng cô đã đạt tới tổng thời gian 60 ngày một cách vui vẻ và kiên trì.

Có thể thấy, tập trung vào từng bước riêng lẻ trên con đường đạt đến mục tiêu lớn đem lại cho chúng ta cảm giác tự hào và tự tin, giúp mọi người có thể hoàn thành toàn bộ thử thách một cách dễ dàng hơn.

2. Nhìn vào bằng chứng khách quan

Jenny Maenpaa cho rằng, mỗi chúng ta đều có một "phiên bản xấu tính" trong đầu. Phiên bản ấy thường xuất hiện khi chúng ta tụt cảm xúc, rơi vào trạng thái không tốt.

Ví dụ: khi sắp đến thời hạn của bản thân, giọng nói "xấu tính" trong đầu sẽ lên tiếng rằng, "tại sao mình phải kiên trì làm tiếp công việc này, mình thậm chí còn chẳng hiểu mục đích của nó là gì, đáng lẽ mình cứ chọn việc nhẹ nhàng, dễ dàng như mọi người khác còn hơn…".

Đó là khi chúng ta nên dừng lại một chút để tự hỏi bản thân, "Đâu là bằng chứng cho thấy mình không thể đảm nhận công việc này? Công ty đã tuyển dụng mình dựa trên thành tích và kinh nghiệm mình đạt được. Do đó, cả công ty và bản thân mình đều biết chính xác rằng, năng lực của mình hoàn toàn đáp ứng nhu cầu công việc".

Khi đã xem xét tất cả các bằng chứng khách quan về giá trị của mình, chúng ta sẽ bình tĩnh lại, có thể suy nghĩ và hành động một cách tự tin hơn.

Hãy tự nhủ rằng: "Tôi biết rõ về chủ đề này. Tôi gặp khó khăn khi bắt đầu, nhưng điều đó chỉ nói lên rằng tôi chưa quen với công việc, chứ không có nghĩa là tôi không thể làm được. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách viết một số ý tưởng ra giấy rồi lần lượt thực hiện nó".

Chuyên gia tâm lý chia sẻ: Tôi đã áp dụng 3 cách này mỗi ngày để gia tăng sự tự tin gấp bội - Ảnh 3.

3. Hỏi bạn bè và gia đình xem họ nghĩ gì về bạn

Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng những người chọn ở bên bạn luôn yêu thương và quan tâm đến bạn. Thông thường, họ nhìn thấy những điểm mạnh mà chính bạn không thể nhận ra. Và họ thậm chí còn bao dung với cả những khuyết điểm trong con người của bạn.

Chuyên gia Jenny Maenpaa kể rằng, có lần cô đã vô cùng phân vân trước một lời mời làm việc. Đó là một lĩnh vực mới mà cô không chắc liệu mình có giỏi ở vị trí này hay không. Vì vậy, cô đã hỏi một vài người bạn đáng tin cậy rằng: Họ nghĩ thế mạnh của cô ấy là gì?

Câu trả lời của họ vừa đáng ngạc nhiên vừa xác thực. Điều này giúp Jenny Maenpaa thẳng thắn đối diện với bản thân một cách toàn diện hơn. Cô không chỉ có thêm động lực để tiếp nhận công việc mới, mà còn có thể âm thầm cân bằng những ưu - khuyết của chính mình.

"Nghe lời nhận xét từ những người khác nhau, từng tiếp xúc với tôi trong các môi trường khác nhau, sẽ đem tới những cái nhìn rất khác nhau. Điều đó đã giúp tôi tập trung vào điểm mạnh của mình và cân nhắc được, liệu vị trí có phù hợp hay không. Cuối cùng, tôi đã bỏ ngoài tai lời nói của 'phiên bản xấu tính' trong lòng để tự tin khẳng định: Mình xứng đáng với cơ hội này". - Maenpaa chia sẻ.

Theo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại