'Nếu thay nước Hồ Tây thì nước ô nhiễm ở đó sẽ đổ đi đâu?'

Hoàng Đan |

"Biện pháp chỉ thay nước cho Hồ Tây sẽ không có ý nghĩa gì và khó có thể thay được bởi Hồ Tây không giống như một chậu nước mà nó rất rộng", bà Lý nói.

Nước Hồ Tây chưa phải nước chết

Sự việc cá chết nổi trắng ở Hồ Tây (Hà Nội) đã khiến cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng và một lần nữa, câu chuyện ô nhiễm môi trường ở đây lại được đặt ra một cách nghiêm túc, khẩn cấp.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Hà Đình Đức, chuyên gia sinh học cho rằng, tình trạng cá chết trong những ngày qua ở Hồ Tây là rất nghiêm trọng và lần đầu tiên xảy ra. Tuy nhiên, theo ông, dù lượng cá chết rất lớn như vậy nhưng nguồn nước Hồ Tây hiện nay chưa đến mức độ là nguồn nước chết.

"Bởi nếu mà coi nguồn nước Hồ Tây là nguồn nước chết thì tất cả các hồ trên địa bàn Hà Nội sẽ chết trước rồi. Hồ Tây là một hồ có diện tích rất rộng, số liệu là gần 500ha nên việc tiếp xúc với không khí rất thuận lợi.

Hồ Tây sẽ chỉ bị coi là nguồn nước chết khi nó bị ô nhiễm rất nặng, không thể nào phục hồi được, nhưng điều đó không xảy ra được...", PGS Đức nói.

Nếu thay nước Hồ Tây thì nước ô nhiễm ở đó sẽ đổ đi đâu? - Ảnh 1.

PGS Hà Đình Đức bên cạnh "cụ Rùa" Hồ Gươm khi còn sống. Ảnh do ông cung cấp

Về một số ý kiến cho rằng, cá ở Hồ Tây chết nhiều như vậy là do thay đổi thời tiết, PGS Đức đã bác bỏ, đồng thời chỉ rõ, nếu do thời tiết, thì các hồ khác cũng sẽ chết cá chứ không riêng Hồ Tây như vậy.

"Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cá chết ở Hồ Tây để tìm ra sẽ không đơn giản chút nào, không phải dăm bữa, nửa tháng có thể đưa ra ngay được mà có thể lâu hơn.

Với việc kiểm tra chất lượng nước Hồ Tây cũng vậy, tôi cho rằng, phải làm kỹ, lấy ở nhiều điểm, ở trên mặt, các tầng nước để có được các chỉ số chính xác nhất chứ không thể cứ lấy ở một chỗ rồi áp cho cả hồ", PGS Đức bày tỏ.

Nhà "rùa học" này cũng cho biết thêm, vào những năm 1998 - 1999, Hà Nội đã có ý định vay 32 triệu USD trong vòng 30 năm với lãi suất 2,9%/năm để thực hiện dự án thay nước Hồ Tây nhưng đến năm 2001 - 2002 dự án đã phải dừng vì không khả thi.

"Thời điểm đó, họ định xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các lưu vực xung quanh Hồ Tây và xây dựng hệ thống xử lý nước lấy từ sông Hồng bơm vào Hồ Tây. Thay toàn bộ nước hồ 3 lần trong một năm, đảm bảo nước Hồ Tây trong xanh như trước đây.

Tuy nhiên, chính tôi là người phản đối rất mạnh, không đơn giản có thể làm như thế được, bởi diện tích Hồ Tây rất rộng, nếu thay nước thì nước ô nhiễm ở Hồ Tây sẽ đổ đi đâu, chưa kể còn nhiều vấn đề khác", ông Đức nêu rõ.

Ông cũng khẳng định thêm, đến thời điểm này, dù xảy ra sự việc cá chết số lượng lớn ở Hồ Tây nhưng ông vẫn bảo lưu quan điểm không thể thay nước Hồ Tây.

"Theo tôi, việc TP Hà Nội đang thực hiện bước đầu để cứu Hồ Tây như thế là tốt rồi.

Trước tiên, dọn sạch cá chết, đưa đi tiêu hủy đúng tiêu chuẩn, vệ sinh môi trường, sau đó, nên khoanh các vùng lại rồi dùng chế phẩm Redoxy-3C của Đức mà Hà Nội cho biết đã sử dụng rất tốt để cứu các hồ Hoàng Cầu, Hồ Mẻ, Ba Mẫu...

Nhưng về lâu dài, cần phải ngăn chặn, cấm tất các nguồn xả thải xuống Hồ Tây và chấm dứt các nhà hàng nổi đang hoạt động trên hồ...", PGS Đức nhấn mạnh.

Nếu thay nước Hồ Tây thì nước ô nhiễm ở đó sẽ đổ đi đâu? - Ảnh 2.

Cá chết ở Hồ Tây. Ảnh: Thành Đạt

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cũng cho rằng, Hồ Tây không phải là hồ nước chết, bởi đây là hồ tự nhiên lớn nhất tại Hà Nội.

Bà Lý cũng chỉ rõ: "Biện pháp chỉ thay nước cho Hồ Tây sẽ không có ý nghĩa gì và khó có thể thay được bởi Hồ Tây không giống như một chậu nước mà nó rất rộng. Một hồ muốn sống, tồn tại phải có đầy đủ các hệ sinh thái rõ ràng, các loài thủy sinh, các chỉ số khác...

Về mặt khoa học, nhìn nhận rõ ràng là việc này không thuyết phục".

Làm tốt các việc này thì 5 - 10 năm nữa Hồ Tây sẽ sạch trở lại

Bà Nguyễn Ngọc Lý cũng cho rằng, Hồ Tây là hồ cảnh quan có mối liên hệ thủy văn trực tiếp với sông Hồng nhưng thực tế việc quản lý nước thải và rác thải theo luật một cách khoa học chưa được đến nơi đến chốn.

Do đó, để khôi phục lại hệ sinh thái của Hồ Tây, tạo ra nguồn nước tự nhiên không bị ô nhiễm, đòi hỏi sự đồng thuận trong việc quản lý Hồ Tây, cấp chính quyền cùng vào cuộc xem xét một cách nghiêm túc.

"Nếu chúng ta coi hồ là cảnh quan đô thị, có chức năng điều hòa không khí, thu hút du lịch, thì thành phố Hà Nội cần phải đưa ra mục tiêu, phương hướng kiểm soát chặt nguồn nước, ngăn chặn, cấm các nguồn thải gây ô nhiễm xung quanh hồ.

Cùng với đó, Ban quản lý các Hồ Tây cũng cần phải kiểm soát được việc thả cá, ngăn chặn các sinh vật ngoại lai và các loại rác thải vứt xuống hồ. Người dân xung quanh cũng cần có sự đồng thuận, tích cực trong việc này.

Nếu tất cả cùng vào cuộc tốt, nghiêm túc việc này, tôi tin là chỉ 5 - 10 năm nữa Hồ Tây của chúng ta có thể đã trở lại sạch như xưa", bà Lý chia sẻ.

Trước đó, đại diện Văn phòng Bộ Công an cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ này đã phân công các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra cá chết ở Hồ Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại