Trong một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hôm 16/6, phái đoàn châu Phi đến Kiev gồm có Tổng thống Comoros Azali Assoumani, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Zambian Hakainde Hichilema, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, đặc phái viên của Tổng thống Cộng hòa Congo Florent Nsiba và đặc phái viên của tổng thống Uganda Ruhakana Rugunda.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, họ đã tới St. Petersburg, nơi họ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/6.
Các cuộc đàm phán với phía Nga đã được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau và đề cập đến tất cả các khía cạnh chính của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phái đoàn châu Phi phản ánh rõ ràng mối quan tâm của các quốc gia BRICS trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa phương Tây và Nga, Chủ tịch tổ chức Tư vấn quốc tế Tầm nhìn & Xu hướng Toàn cầu Tiberio Graziani cho biết hôm 18/6.
Ông Tiberio Graziani khẳng định, sứ mệnh hòa bình của các nhà lãnh đạo châu Phi về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là một tín hiệu cho thấy phương Tây đang thúc đẩy họ thay đổi lập trường.
Theo ông Tiberio Graziani, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang mở rộng mặt trận gìn giữ hòa bình.
Phái bộ châu Phi, nơi Nam Phi đang đóng một vai trò đặc biệt, phản ánh rõ ràng mối quan tâm của các quốc gia BRICS trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa phương Tây và Nga.
Brazil, Indonesia , Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc cũng như Thành Vatican hy vọng giải quyết sớm nhất cho cuộc xung đột Ukraine. Theo cách riêng và vì lợi ích quốc gia của mình, tất cả đều đang đóng góp, vào việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực mới.
Chuyên gia này cho rằng phái đoàn châu Phi theo đuổi một mục tiêu quan trọng hơn.
"Cùng với việc mở rộng cái có thể gọi là mặt trận hòa bình, trên thực tế, chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Nam Phi tới Kiev và sau đó tới St. Petersburg là một thông điệp gửi tới phương Tây.
Các thành viên của phái bộ chứng minh rằng những người cam kết hòa bình không sợ bị trừng phạt.
Việc tống tiền bằng các biện pháp trừng phạt, trong tình huống ngày càng có nhiều quốc gia muốn giải quyết xung đột sớm nhất, có nguy cơ trở thành vũ khí cùn.
Washington và London, cũng như Brussels, Kiev và Warsaw, và cả NATO sẽ phải thay đổi chiến lược của họ. Chúng ta sẽ xem liệu điều đó có xảy ra sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào ngày 11/7 hay không" - ông Graziani nói.
Theo TASS