Quần đảo Mariana ở Tây Bắc Thái Bình Dương , bao gồm Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana (CNMI) và đảo Guam từng được coi là “mũi giáo đi đầu” dự báo ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc những năm gần đây đang gia tăng ảnh hưởng ở nơi từng sinh lợi nhiều nhất thế giới thông qua các hoạt động nghiên cứu đáy đại dương.
“Chiến tranh và xung đột không bao giờ bắt đầu từ Đại lộ 5 mà sẽ khởi phát từ những nơi có ít ảnh hưởng chiến lược như quần đảo Mariana. Đó là nơi mà các cường quốc tranh giành, đấu đá lẫn nhau”, ông Patrick Gerard Buchan, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington cho biết.
Quần đảo Mariana chứng kiến trận chiến tranh giành ảnh hưởng của Mỹ-Trung Quốc. (Ảnh: Alamy)
Quần đảo Mariana cách California 15 giờ bay nhưng chỉ cách Bắc Kinh 5 giờ di chuyển bằng đường hàng không, nằm rải rác khắp Thái Bình Dương dọc theo rìa phía Tây của Rãnh Mariana, điểm sâu nhất trên thế giới.
“Xung quanh các hòn đảo này, phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đang được tách biệt. Câu hỏi ở đây là nó sẽ được phân chia như thế nào”, ông Lyle Goldstein, giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ phân tích.
Hoạt động và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này đang tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Ông Jian Zhang, trưởng khoa Hợp tác Trung Quốc tại Học viện Quốc phòng Australia tin rằng điều này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng về mặt lâu dài với chính trị và an ninh khu vực từng có coi là “hồ Mỹ” hay sân sau của Australia.
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu dưới đáy biển, giúp Bắc Kinh thu về những hiểu biết nhất định về nơi từng là tiền đồn quan trọng của Mỹ kể từ sau Thế chiến II.
Hơn 1/4 đảo Guam hiện là nơi hiện diện của 2 căn cứ quân sự Mỹ, tỷ lệ người dân ở đây phục vụ trong quân ngũ cũng cao gấp 3 lần so với bất cứ bang nào của Mỹ. Từ năm 2013, Washington đã triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tới Guam, động thái từng khiến Trung Quốc nổi giận.
Tháng 10/2018, tàu thám hiểm đại dương Tan Suo 1 của Trung Quốc đã trở về từ Rãnh Mariana sau khi hoàn thành hành trình nghiên cứu kéo dài 46 ngày ở độ sâu 7.000 m. Truyền thông Trung Quốc khẳng định đây là nghiên cứu ở độ sâu chưa từng có trong khoảng thời gian chưa từng có.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã thử nghiệm pin nhiên liệu nước biển magie đầu tiên hoạt động ở độ sâu 10.000m dưới đáy biển. Từ những thử nghiệm này, con tàu của Trung Quốc có thể đã thu thập được các dữ liệu cần thiết trong nỗ lực cải thiện khả năng chống phát hiện cho các hạm đội tàu ngầm của lực lượng hải quân nước này.
Tàu thám hiểm đại dương Tan Suo 1 của Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Một trong những thách thức lớn với hải quân Trung Quốc hiện nay là khả năng điều hướng tàu ngầm mà không bị phát hiện khi chúng di chuyển ở các vùng biển giữa chuỗi đảo đầu tiên – Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và chuỗi đảo thứ hai bao gồm quần đảo Mariana.
“Tôi đã nghiên cứu về chiến tranh dưới nước được 20 năm nay nhưng chưa bao giờ đào sâu về vấn đề một lực lượng quân đội muốn làm gì ở độ sâu 5.000 m hoặc sâu hơn”, ông Goldstein cho biết, nói thêm rằng việc di chuyển ở những độ sâu như vậy cho phép theo dõi các tàu ngầm khác từ khoảng cách hàng trăm km.
Theo ông Zhang, vì quân đội Trung Quốc đã hoạt động tích cực hơn trên phạm vi toàn cầu, họ cần nhiều căn cứ hỗ trợ ở nước ngoài. Đó là điều có thể trong tương lai nếu như họ bắt đầu tính tới việc xây dựng các căn cứ ở khu vực Thái Bình Dương.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự hiện diện ngày càng mờ nhạt của Mỹ tại Thái Bình Dương đang tạo ra một khoảng trống mà Trung Quốc vừa vặn đang muốn trám vào đó.
“Mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là trở thành siêu cường trong khu vực và họ còn muốn trở thành người có ảnh hưởng chính. Sự mờ nhạt trong vai trò của Mỹ trong khu vực đang tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó”, ông Robert Underwood, cựu Dân biểu đến từ đảo Guam tại Hạ viện Mỹ phân tích.
Trong khi đó, ông Jonathan Pryke, giám đốc chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Australia Low Lowy cho rằng mọi thứ càng ngày càng rõ àng hơn khi Trung Quốc tỏ rõ ý định mở rộng ảnh hưởng với mục tiêu cuối cùng là mở rộng sự hiện của quân đội.
Tuy nhiên, ông này cho rằng Australia và Mỹ dường như vẫn chưa thực sự để tâm tới vấn đề này mà chỉ nhìn nhận nó dưới lăng kính chiến lược.