Chuyện cô hàng sữa và hũ sữa bò: Có những ý tưởng rất hay nhưng nó chỉ là... trên giấy

Lan Trần |

Không bao giờ có được cái gọi là "thời điểm thích hợp" nếu không thực sự bắt tay vào làm bởi vì, cuộc đời chả bao giờ có thời điểm nào hoàn hảo cả.

Chuyện ngụ ngôn La Fontaine rất muôn màu muôn vẻ, không những dễ đọc, dễ thuộc mà còn đưa lại nhiều bài học, nhiều lời khuyên bổ ích trong cuộc sống của chúng ta. Câu chuyện "Cô hàng sữa và hũ sữa" là một ví dụ. Chuyện bắt đầu:

Cô Peret đội đầu hũ sữa

Đặt êm ru vào giữa đệm bông.

Cô ta chắc mẩm trong lòng

Ra cho đến tỉnh chắc không hề gì.

Người nhanh nhẹn, chân đi rảo bước,

Bởi hôm nay cô mặc gọn gàng,

Để cho thoăn thoắt lẹ làng,

Tênh tênh giày mỏng, nhẹ nhàng váy đơn.

Cô hàng sữa nhẹ tơn, gọn lỏn,

Vừa bước vừa tính toán gần xa,

Rằng đem tiền sữa bán ra

Mua ngay trăm trứng ấp 3 mái cùng.

Kể chẳng khó, thông đồng bén giọt,

Tay gái này chăm chút đảm đang,

Cô rằng: "Việc cũng dễ dàng,

Quanh nhà gây lấy một đàn gà con.

Cáo có giỏi xơi ngon ít chú,

Còn bán đi cũng đủ một heo.

Lợn mua đâu phải tẻo teo,

Vỗ to mấy nỗi, cám bèo chóng thôi!

Bán lợn được tiền tươi bạc tốt,

Ai cấm ta mua nhốt vào chuồng

Cứ theo giá cả tương đương

Một bò mẹ với một chàng bê con?

Chàng bê con lon ton nhảy nhót

Giữa đàn bò, sướng mắt ta xem!"

Đến đây Peret hứng lên,

Nhảy rơn, hũ sữa lăn chiêng đổ nhào.

Bê! Bò! Lợn! Gà nào! tiêu tán!

Nhìn của rơi lênh láng bốn bề,

Cô tôi ngao ngán quay về,

Xin chồng tha lỗi, còn e ăn đòn.

Câu chuyện được người đồn khắp xứ

Thành chuyện vui : "CÁI HŨ SỮA BÒ".

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường hay ảo tưởng. Cô Peret thực chất là mẫu người chăm chỉ. Cô cũng giỏi tính toán công việc, cũng muốn làm được cái này cái khác. Tuy nhiên, với những người ảo tưởng, mọi kế hoạch của họ đều "nằm trong đầu" mà không một lần giám thử.

Giả sử, đặt trường hợp cô Peret, nếu hũ sữa không bị đổ đi, liệu cô có đưa những ý tưởng trong đầu ra thực hiện không? khả năng lớn vẫn là không, bởi những người ảo tưởng thường không dám chịu trách nhiệm, không dám đương đầu thực tế và sợ thất bại. Trong họ hầu như chỉ là "giá như".

Bạn không cần phải đi nhanh hơn hay bằng ai, vì chúng ta đều đang chạy trên con đường riêng của mỗi người. Đích đến là hàng vô số điểm khác nhau không thể đo đếm.

Chuyện cô hàng sữa và hũ sữa bò: Có những ý tưởng rất hay nhưng nó chỉ là... trên giấy - Ảnh 1.

Câu chuyện cô hàng sữa vẫn còn đoạn kết :

Hão huyền ai chả như cô?

Ai không có lúc ngồi mơ xây lầu?

Kể ai cũng giống nhau ấy chứ,

Picrocon, Piaruyt, cô em,

Người hiền triết, kẻ cuồng điên

Mơ trong khi thức là tiên trên đời,

Hồn phiêu lãng vào nơi ảo mộng:

Của hoàn cầu ôm gọn tay ta,

Về ta, tất cả vinh hoa,

Về ta, phụ nữ nõn nà trần gian.

Ngồi một mình, thách trang cái thế,

Đi lật ngai Hoàng đế như chơi

Dân yêu tôn phắt lên ngôi,

Ngập đầu mũ miện như trời đổ mưa.

Giật mình tỉnh giấc tan mơ,

Bố Cu mình lại vẫn là bố Cu !

(Picrochole – là nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Pháp mô tả phỏng theo nhân vật lịch sử cổ đại Pyrrhus là vua xứ Epia). Theo Nguyễn Đình dịch.

Câu chuyện cô hàng sữa và hũ sữa là từ trong truyện ngụ ngôn của La Fontain, còn một câu chuyện khác thường xuyên được các diễn giả đưa ra làm bài học khi có những buổi diễn thuyết.

Chuyện về 2 người bạn thân cùng lớn lên trong làng, một người ra thành phố lập nghiệp, giàu có, người còn lại ở quê làm lụng vất vả vẫn nghèo. Một lần về quê, thấy hoàn cảnh của bạn, anh giàu tặng bạn 1 con bò, mong muốn bạn cày bừa ruộng đất, xuân qua ấm trời anh sẽ mang hạt giống về cho bạn gieo trồng.

Nhận được cả một "gia tài", người bạn quý lắm, chăm con bò rất kỹ, ngày ngày hái cỏ cho ăn no, tắm cho nó sạch.

Tuy nhiên, chỉ được mấy ngày, anh đã cảm thấy áp lực khi cứ ngày ngày phải chăm bò, trong khi bụng vẫn đói meo, anh liền nghĩ bán bò đi, để ít tiền ăn tiêu trong nhà, mua lấy cặp dê, chẳng mấy chốc anh sẽ có cả đàn dê. Nói là làm, anh thực hiện ngay.

Nhưng dê vừa nuôi được 1 tuần, thì nhà cũng hết gạo, còn lâu mới đến lúc cặp dê đẻ con cho anh, thế là, anh lại quyết bán dê đi, mua lấy mấy trăm con gà, thứ vừa có trứng ăn, có thịt gà, lại dành trứng ấp nở đàn con mới. Anh tặc lưỡi, chẳng mấy chốc gây dựng đàn gà ngàn con anh sẽ lại bán bớt, làm lại chuồng trại mua cả dê cả bò.

Đàn gà trăm con về vườn cũng chỉ được hơn tháng đã giảm dần, thứ bị anh làm thịt ăn, thứ thì bán bớt lấy tiền mua gạo thứ thì do anh bỏ bê không chăm bị cáo ăn mất...

Chẳng mấy chốc, những toan tính trong đầu anh đã chẳng thực hiện được gì. Anh nghèo vẫn hoàn nghèo. Xuân đến, người bạn mang theo hạt giống vui mừng về giúp bạn, nhìn thấy cảnh đó cũng nản lòng mà quay đi.

Không "đen đủi" đến nỗi đổ hết sữa như cô hàng sữa, anh chàng này vẫn có cả 1 con bò để thực hiện ước mơ. Tuy thế, vì tất cả chỉ là kế hoạch, mà không thể áp dụng nó vào cuộc sống, không dám đối mặt vấn đề, nên anh ta cũng nhanh chóng thất bại.

Gà gáy thì trời sáng, mà gà không gáy thì trời vẫn sẽ sáng; trời có sáng hay không không phụ thuộc con gà - vấn đề là trời sáng ai sẽ là người thức tỉnh?.

Chuyện cô hàng sữa và hũ sữa bò: Có những ý tưởng rất hay nhưng nó chỉ là... trên giấy - Ảnh 2.

Một trong những kiểu người rất khó thành công trong cuộc sống, là những người chỉ muốn dựa vào ước mơ, họ sẽ ngồi một chỗ xem người khác làm những gì và không bao giờ cho ý kiến, cũng không bao giờ “nhúng tay” vào việc.

Họ chờ đợi một thời điểm "thích hợp nhất" để bắt đầu với bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu kế hoạch to lớn... trong đầu. Họ cho rằng cần chờ đúng thời điểm, cần chờ người hợp tác, cần chờ đủ vốn, cần tích lũy thêm chút kinh nghiệm...

Tất nhiên sẽ không bao giờ có được cái gọi là "thời điểm thích hợp", thậm chí kể cả khi luôn luôn trong trạng thái chờ đợi nếu không thực sự bắt tay vào làm bởi vì, cuộc đời chả bao giờ có thời điểm nào hoàn hảo cả...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại