Viện Tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái Đất (SETI) đã bắt đầu công việc từ năm 1984.
Sáu mươi năm trước đó, ngày 21 tháng 8 năm 1924, chính phủ Mỹ triển khai một ngày im lặng, theo đó người dân được yêu cầu giữ im lặng trong 5 phút trong mỗi giờ của ngày đó, để các nhà thiên văn có thể lắng nghe được những tín hiệu vô tuyến đến từ Sao Hỏa.
Sao Hỏa là thiên thể gần nhất trong số các mục tiêu được các nhà thiên văn lựa chọn để lắng nghe tín hiệu, nhưng họ vẫn không nghe ngóng được gì từ hành tinh đỏ này.
Sự im lặng gây nên nỗi thất vọng to lớn với những người mong muốn săn tìm được người ngoài hành tinh, nhưng hy vọng vẫn còn đó. Ngân Hà của chúng ta là một nơi rất rộng lớn, và nếu xét trên quy mô cả vũ trụ, chúng ta sẽ chẳng có phút nghỉ ngơi nào nếu tìm kiếm hết trong ngần ấy không gian.
Vậy nên, mọi nỗ lực của chúng ta sẽ được đền đáp. Chúng ta sẽ bắt gặp được những sinh vật khác ngoài Trái Đất vào một ngày nào đó trong tương lai, và đó là lúc hai nền văn minh liên vũ trụ bắt đầu được tiếp xúc với nhau. Và chúng ta sẽ sử dụng thứ ngôn ngữ nào để giao tiếp với họ?
Trước hết, trừ khi chúng ta chạm mặt trực tiếp, bằng không việc trò chuyện sẽ mất khá nhiều thời gian. Bởi khoảng cách từ Trái Đất đến ngôi sao gần nhất – sao Proxima Centauri – cũng đã là hơn 4 năm ánh sáng, nghĩa là thông điệp nếu đi với tốc độ ánh sáng sẽ mất hơn 4 năm để qua lại giữa chúng ta và ngôi sao đó.
Hầu hết các nhà khoa học, trong đó có nhà vật lý thiên văn Carl Sagan, đều đồng ý rằng toán học sẽ là nền tảng cho những cuộc nói chuyện với các nền văn minh ngoài địa cầu khác. Với ý tưởng này, nhà khoa học người Anh là Lancelot Thomas Hogben đã tạo ra một ngôn ngữ được gọi là Astraglossa.
Được truyền phát qua tín hiệu vô tuyến, các xung ngắn là những dấu gạch ngang tượng trưng cho những con số, còn những xung dài hơn sẽ là những dấu nháy đại diện cho những phép tính như cộng hoặc trừ.
Khi những điều cơ sở về toán học này đã được đặt ra giữa hai nền văn minh, chúng ta sẽ tiến đến những cuộc hội thoại.
Dĩ nhiên người Trái Đất và người ở hành tinh nào đó khác, sẽ chỉ nói về thiên văn học. Đây rõ ràng là một điểm chung dễ thấy nhất giữa chúng ta, bởi cả hai đều sống trong cùng một vũ trụ. Cũng giống như hai người Trái Đất sẽ bắt chuyện với nhau bằng câu hỏi về thời tiết vậy.
Và cũng chắc chắn rằng không có gì đảm bảo những sinh vật ở xa xôi kia sẽ hiểu được thứ ngôn ngữ toán học của chúng ta. Ngôn ngữ Astraglossa rất có ý nghĩa đối với Hogben và những nhà khoa học khác, nhưng không có gì chắc chắn rằng người ngoài hành tinh sẽ hiểu được.
"Khả năng rất cao là những sinh vật ngoài Trái Đất sẽ không hiểu được những ngôn ngữ của chúng ta. Trên thế giới có khoảng 7.000 ngôn ngữ nhưng chỉ có khoảng 50% trong số đó là có hệ thống chữ viết riêng.
Chúng ta cũng không có gì đảm bảo ngôn ngữ của người ngoài hành tinh được ghi thành dạng văn bản," nhà thiên văn Seth Shostak từ viện SETI cho biết.
Thay vì mải mê ôm mộng về thứ ngôn ngữ chung, nhà khoa học Wells-Jensen đề xuất rằng chúng ta nên nói ít hơn và chia sẻ nhiều hơn. "Ngoài những văn bản, chúng ta cũng hãy gửi thêm những bản ghi âm về âm thanh cuộc sống trên Trái Đất và hình ảnh chụp về địa cầu", ông cho biết.
Tháng 3 năm 2015, nhà thiên văn Shostak đã có ý tưởng, rằng chúng ta hãy truyền tải toàn bộ nội dung có trên mạng internet. "Đó là một bộ sưu tập khổng lồ với văn bản, hình ảnh, video và âm thanh – sẽ cho phép người ngoài hành tinh biết được rất nhiều về xã hội của loài người và đặt câu hỏi về chúng ta."
"Toàn bộ dữ liệu trên internet là một khối thông tin vô cùng lớn, nhưng ta vẫn có thể nén chúng lại được. Một máy phát laser công suất lớn sẽ truyền phát được nội dung chỉ trong vài ngày, như cách chúng ta làm với sợi quang học từ tính," ông chia sẻ.
Nếu cách này thành công, chúng ta sẽ có cơ hội rất cao để tạo ra những cuộc hội thoại có ý nghĩa. Thậm chí rằng nếu nó không hiệu quả, thì ít nhất những sinh vật ở xa xôi kia cũng biết được về sự hiện diện của hành tinh Trái Đất đầy sự sống của chúng ta.
Nguồn: Space