Theo tin từ Reuters, ông Powell nói rằng FED sẽ có hành động "phù hợp" để ứng phó với những rủi ro mà chiến tranh thương mại gây ra cho nền kinh tế. Tuyên bố này được ông Powell đưa ra chỉ một ngày sau khi một quan chức cấp cao khác của FED là ông James Bullard, Thống đốc FED chi nhánh St. Louis, nói rằng có thể sớm có cơ sở cho một đợt giảm lãi suất.
Vị Chủ tịch FED cũng cho biết ngân hàng trung ương này đang "theo dõi chặt chẽ các ảnh hưởng" của xung đột thương mại - vấn đề gây nhiều xáo trộn trên thị trường toàn cầu suốt hơn 1 năm qua.
Chỉ số S&P 500 đã có phiên tăng tính theo giá trị phần trăm mạnh nhất kể từ ngày 4/1 - ngày mà ông Powell đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn sau đợt bán tháo ở Phố Wall hồi cuối năm 2018, hứa rằng FED sẽ kiên nhẫn và linh hoạt trong vấn đề lãi suất.
Theo dữ liệu Fedwatch của CME Group, giới đầu tư đang đặt cược rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 1 lần trong thời gian từ nay tới cuối năm. Tuyên bố ngày thứ Ba của ông Powell càng củng cố sự đặt cược này.
"Trên thực tế, khả năng trên 95% FED cắt giảm lãi suất đã được phản ánh vào giá trái phiếu. Thật tuyệt vời khi nghe FED nói rằng họ sẽ hành động dựa trên tình hình kinh tế. Nếu kinh tế Mỹ giảm tốc do thuế quan, FED sẽ cân nhắc cắt giảm lãi suất", chiến lược gia JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade phát biểu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 2,06%, đạt 25.332,18 điểm. S&P 500 tăng 2,14%, đạt 2.803,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,65%, đạt 7.527,12 điểm.
Trong tháng 5, S&P 500 giảm hơn 6% do mối lo nền kinh tế toàn cầu giảm tốc vì căng thăng thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Mexico.
"Khi thị trường đã giảm nhiều như vậy, thì tất cả những gì cần thiết là một tia hy vọng", nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Asset Management nhận xét.
Ông Nolte cũng nói rằng trong phiên này, giới đầu tư cảm thấy yên tâm hơn sau khi Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico bày tỏ hy vọng có thể đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra cứng rắn, nói rằng ông có thể vẫn sẽ triển khai việc áp thuế quan bổ sung 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico kể từ ngày 10/6.
Một bài báo của tờ Washington Post nói rằng các nghị sỹ Cộng hòa đang bàn xem liệu họ có cần phải tổ chức một bỏ phiếu để chặn kế hoạch áp thuế hàng hóa Mexico của ông Trump. Thông tin này cũng giúp hỗ trợ tâm lý giới đầu tư.
Trước đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng khác biệt và xung đột giữa Bắc Kinh và Washington cần phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, chiến lược gia Kinahan cho rằng tâm trạng của nhà đầu tư liên quan tới vấn đề thương mại có thể thay đổi dễ dàng. "Những thông tin về thuế quan sẽ tiếp tục khiến thị trường trồi sụt. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019 đã khép lại, nên chiến tranh thương mại sẽ là nguồn thông tin chính tác động lên thị trường", ông Kinahan nói.
Phiên tăng mạnh này của Nasdaq diễn ra sau phiên bán tháo hôm thứ Hai, khi chỉ số rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction).
Công nghệ là nhóm cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự tăng điểm của S&P 500 phiên này, với mức tăng 3,3%.
Trong khi đó, ngân hàng là nhóm có mức tăng lớn nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, tăng 3,65% nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trở lại.
Bất động sản là nhóm cổ phiếu duy nhất giảm điểm ở Phố Wall phiên này, với mức giảm 0,6%, do giới đầu tư mua vào những tài sản có mức độ rủi ro cao hơn.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp hơn 4 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là hơn 3 lần.
Có tổng cộng 7,53 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,16 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.