Chứng khoán 'lên dây cót' cho năm 2023

Khánh An |

Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán cho biết, TTCK Việt Nam năm 2022 đã có xu hướng giảm trong nhiều tháng nhưng vẫn là một thị trường quan trọng cho nền kinh tế, góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.

Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận những nhịp biến động rất mạnh, bà đánh giá như thế nào về diễn biến này?

Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN): Thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, song dưới sự biến động của nhiều yếu tố trong, ngoài nước, TTCK Việt Nam đã chịu tác động không nhỏ theo xu hướng chung của TTCK các nước.

Cụ thể, trong năm 2022, chỉ số chính có thời điểm chạm mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm trong phiên 16/11. Vào thời điểm xuống đáy, VN-Index còn đứng đầu tất cả các bảng xếp hạng giảm mạnh nhất thế giới trong toàn bộ các khung thời gian phổ biến như ngày, tuần, tháng, 3 tháng, 6 tháng, từ đầu năm và một năm.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 12, thị trường đã có chuyển biến tích cực khi khối ngoại quay trở lại với giá trị mua ròng khoảng 19.000 tỷ đồng và VN-Index phục hồi mạnh mẽ so với thời điểm giữa tháng 11. Đóng cửa năm, VN-Index dừng ở mức 1.007,09 điểm, giảm tới hơn 491 điểm, tương ứng giảm 32,78% so với hồi đầu năm.

TTCK thường phản ánh trước so với diễn biến nền kinh tế. Những tín hiệu tích cực vừa qua cho thấy khó khăn nhất của thị trường chứng khoán dường như đã qua và sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng, thưa bà?

Bà Tạ Thanh Bình: TTCK Việt Nam trong giai đoạn hơn 10 năm vừa qua là thị trường có mức tăng trưởng giá trị vốn hoá cao nhất trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động quản trị công ty của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, đặc biệt tại các công ty đại chúng niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn. Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng đã làm giảm số lượng công ty hoạt động yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động công ty hiện có.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên TTCK đã từng bước được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản chứng khoán. Đặc biệt, thời gian thanh toán giao dịch trên thị trường cổ phiếu giảm từ T+3 xuống T+2 vào ngày 29/8 đã hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch thuận lợi hơn.

Đáng chú ý, TTCK Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường ngày càng tăng. Trong năm 2022, Việt Nam có thêm gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, tăng trưởng 60% so với năm trước.

Đây là con số kỷ lục trong 22 năm hoạt động. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại. Tính đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 6,8 triệu tài khoản.

Định hướng của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian tới để nâng cao và hỗ trợ thị trường phục hồi, phát triển bền vững?

Bà Tạ Thanh Bình: Trong giai đoạn tới, TTCK Việt Nam có cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn tác động từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Để tiếp tục phát triển ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, UBCKNN đã đề ra các định hướng phát triển dựa trên bốn quan điểm.

Một là, bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Hai là phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Ba là tiếp tục phát triển TTCK về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, tiếp cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Bốn là Nhà nước thực hiện quản lý, giám sát TTCK bằng pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thị trường.

Trên cơ sở các quan điểm phát triển, TTCK phấn đấu đạt mục tiêu phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Trong đó tập trung vào 6 mục tiêu cụ thể:

Về quy mô, theo Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 100% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 120% GDP vào năm 2030.

Về số lượng nhà đầu tư, theo Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển TTTCK đến năm 2030 đang được Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, số lượng nhà đầu tư trên TTCK đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Về quản trị công ty, sẽ nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ về quản trị công ty, môi trường và xã hội tại các Sở GDCK và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Về tái cơ cấu TTCK, thực hiện phân định các thị trường giao dịch chứng khoán trên các Sở GDCK chậm nhất là năm 2025.

Về nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường, sẽ phấn đấu nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

Đồng thời sẽ tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Để thực hiện các mục tiêu trên, các nhóm giải pháp được Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng để triển khai thực hiện là gì?

Bà Tạ Thanh Bình: Để thực hiện các mục tiêu trên, giai đoạn 2021-2030, UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm kịp thời khắc phục các bất cập trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm tính toàn diện của khung pháp lý quản lý hoạt động trên TTCK, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để tăng cường tính răn đe, đảm bảo trật tự, an toàn và minh bạch thị trường.

Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo TTCK vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu và giám sát TTCK.

Đồng thời, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung trên cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam; tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Xin cảm ơn bà!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại