Dưới mái nhà chung
"Vì tôi không có đôi mắt sáng, nên tôi dùng đôi tay để cảm nhận mọi thứ. Chúng giúp tôi ấn huyệt làm cho khách dễ chịu, dò dẫm từng thanh chắn cầu thang, cái kệ... để quen đường. Bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn sẽ mưu sinh mà không có sự mặc cảm trong lòng", anh Thanh Cần (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) mở đầu câu chuyện.
Cơ sở xoa bóp nằm nép mình trong một con hẻm tại đường Hoàng Diệu, quận 4, TP.HCM. Chỉ có vỏn vẹn 6 nhân viên nhưng ngôi nhà bé nhỏ này lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Thanh Cần quê ở An Giang, anh học xoa bóp bấm huyệt đã mười mấy năm nay. Dịch bệnh, Cần trắng tay, dò dẫm về quê đợi ngày lên TP.HCM để có thể tiếp tục làm việc.
Anh Hà Văn Phương (SN 1990) cũng thế, tuy nhiên, người vợ sắp đến ngày sinh nở lại càng khiến Phương vui mừng, nôn nao và có lo lắng hơn bao giờ hết... Hằng ngày, anh tạm trú ở cơ sở để tiết kiệm chi phí đi lại.
Tất cả đều là người khiếm thị, đều thất nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Anh Thanh Cần chia sẻ về cuộc sống của mình
Chị Kim Thanh (SN 1985, chủ tiệm) kể: "Có lần, tôi đi xoa bóp ấn huyệt người khiếm thị và được các nhân viên tận tình chăm sóc. Họ làm tất cả mọi thứ trong bóng tối. Qua mùa dịch, có nhiều anh chị lại thất nghiệp nên tôi mới quyết định mở một cửa tiệm xoa bóp để giúp đỡ họ.
Bạn biết không, để vận hành một cơ sở xoa bóp cho người bình thường đã khó, với người khiếm thị lại càng khó gấp nhiều lần. Tôi dẫn các anh chị sang cơ sở, cho họ làm quen với góc cầu thang, cạnh tường, vách nhà... Mọi đồ vật để trên bàn đều được làm bằng nhựa để tránh rơi vỡ làm các anh chị bị thương.
Mấy ngày đầu mới mở tiệm, chúng tôi thậm chí còn không được treo biển hiệu. Nhiều người dân ở đây nghĩ rằng chúng tôi kinh doanh loại hình massage "không lành mạnh", họ đến bắt tháo xuống, làm khó làm dễ. Ngày khai trương, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn một băng rôn phía trên. Đến khoảng vài tuần sau, người ta mới biết mình làm ăn đàng hoàng mà chấp nhận".
Làm mọi cách để bảo vệ người khiếm thị
Theo lời kể của chị Thanh, người khiếm thị vốn rất nhạy cảm, dễ tự ái. Để có thể làm việc cùng nhau, chị thường ngồi xuống chuyện trò, trao đổi. Mỗi con người đều là một câu chuyện riêng, vươn lên từ nỗi mặc cảm của bản thân mình.
Như Cần, vào năm anh 15 tuổi đã bị cườm nước, từ đó anh không thể nhìn thấy gì nữa. Không chấp nhận mình là gánh nặng cho gia đình suốt đời, Cần mày mò học xoa bóp để làm nghề.
Bữa trưa của những nhân viên khiếm thị được chuẩn bị sẵn
Tại đây, có nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, tuy nhiên, đối với xoa bóp vùng đùi và bụng, chị Thanh cũng đặt quy định: nam phục vụ nam, nữ phục vụ nữ. "Theo tôi, đây là những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Họ là người khiếm thị, nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ rất khó để chứng minh mình không "đụng chạm" vào chỗ nhạy cảm. Tôi làm thế là để bảo vệ người khiếm thị", chị Thanh nói.
Thi thoảng, chị Thanh lại dắt một vài nhân viên của mình đến bệnh viện để khám mắt.
"Tôi muốn tìm xem họ còn có hy vọng cho đôi mắt không. Tuy nhiên, có bạn có khả năng phục hồi thị lực nhưng lại ngại trải qua phẫu thuật, xác suất thành công không cao", chị Thanh nói.
Đôi lúc, những người khiếm thị tại đây cũng rơi vào những tình huống đầy tủi thân. Chị Thanh chia sẻ: "Có khách đến gọi họ là "cái anh mù này, cái chị mù kia... có làm được không?". Mình nghe xong cũng thấy tổn thương giùm họ ghê gớm. Dù sao, tất cả mọi người đều đã rất cố gắng để đi làm. Họ không muốn làm gánh nặng cho xã hội, cho gia đình".
Anh Văn Phương cho biết: "Khi tôi sinh ra, đôi mắt đã như thế rồi. Thời gian đầu học massage, đôi tay tôi đau buốt vì phải sử dụng lực nhiều. Nhưng, hiện nay tôi đã làm được, có một công việc ổn định, một gia đình ấm êm. Tôi sắp trở thành bố và có người vợ vẫn đang đợi tôi ở quê nhà".
Để tiết kiệm chi phí di chuyển, nhiều người khiếm thị đã chọn cách lưu trú tại đây. Vào mỗi buổi trưa, họ sẽ cùng quây quần bên nhau ăn cơm như một gia đình.
https://soha.vn/chu-tiem-massage-khiem-thi-khach-hoi-chi-mu-kia-lam-duoc-khong-minh-ton-thuong-thay-ho-20220413194354243.htm