Bài viết dưới đây là chia sẻ của Lâm Hạo (Chiết Giang, Trung Quốc) đang thu hút sự chú ý trên nền tảng Toutiao.
Tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của cả bố và mẹ. Bố tôi từng làm công nhân nhà máy điện, còn mẹ là giáo viên. Dẫu điều kiện kinh tế gia đình không mấy dư dả. Song chưa khi nào, tôi cảm thấy mình thua kém bạn bè. Tôi nhớ có những ngày mùa đông vô cùng lạnh giá, mẹ vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng nóng hổi cho tôi. Trong khi đó, mẹ chỉ chọn ăn cơm nguội. Còn bố thường tìm những công việc lặt vặt để tranh thủ làm thêm ngoài giờ nhằm có thêm chút tiền sắm cho con gái chiếc cặp sách hay đôi giày mới.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi đi học đại học rồi định cư luôn tại thành phố lớn. Guồng quay của cuộc sống, công việc cứ cuốn tôi đi. Có khi cả năm, tôi chẳng thể về nhà để thăm bố mẹ. Song hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ nên kể từ khi kiếm được tiền, tôi luôn tìm cách để đền đáp công ơn đấng sinh thành. Nhất là sau khi bố qua đời vì bạo bệnh, mẹ trở thành người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Là giáo viên về hưu, mỗi tháng mẹ nhận được 2.000 NDT. Xét thấy mẹ mắc nhiều căn bệnh mãn tính, tiền lương không đủ tiêu, tôi quyết định chu cấp cho mẹ 3.000 NDT/tháng (khoảng 10 triệu đồng). Mỗi lần đầu tháng chuyển tiền về tôi đều thông báo để mẹ vui. Đáp lại, mẹ luôn dặn con gái hãy giữ lại một ít tiền để chi tiêu ở thành phố lớn và đừng đưa hết cho mẹ.
Sau mỗi lần gửi tiền như vậy, tôi luôn nghĩ rằng mẹ dùng khoản này để cải thiện cuộc sống, mua một vài món ngon hay có những chuyến đi du lịch cùng mấy người bạn. Song thực tế mọi chuyện hoàn toàn trái ngược.
Sau gần 1 năm, cho đến cuối tháng trước, tôi mới sắp xếp được công việc để về thăm mẹ nửa tháng. Trong lúc mẹ vào bếp chuẩn bị bữa trưa, tôi ở phòng khách để sắp xếp một vài đồ đạc. Vô tình, tôi nhìn thấy cuốn sổ tiết kiệm của mẹ được kẹp trên giá sách. Vì tò mò, tôi mở ra xem. Những con số bên trong khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.
Đều đặn hàng tháng, mẹ dùng số tiền tôi gửi để đem đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng chứ không bỏ ra tiêu. Tôi hỏi tại sao mẹ lại làm như vậy. Mẹ kéo tôi ngồi xuống ghế sofa rồi bình tĩnh giải thích: “Mẹ đã lớn tuổi, không cần chi tiêu quá nhiều. Mẹ biết con đang phải chịu rất nhiều áp lực về các khoản thế chấp như tiền mua nhà, mua ô tô, lại thêm học phí cho con cái. Nên mẹ muốn dành dụm một chút để sau này cho con, giúp con giảm nhẹ gánh nặng”.
Sau khi mẹ nói câu đó, tôi đã òa khóc. Trong suốt khoảng thời gian ở nhà, tôi quan sát kỹ cuộc sống của của mẹ và thấy mình đã sai. Mẹ không hề thiếu thốn về mặt vật chất. Điều mẹ cần là sự bầu bạn và chăm sóc của con cái.
Bố mẹ chúng ta mong muốn chia sẻ mọi khoảnh khắc trong cuộc sống cùng với con cái, muốn nghe giọng nói và nụ cười của các con. Nhưng vì quá bận rộn, tôi đã phớt lờ nhu cầu này của họ và luôn xem rằng chỉ cần dùng tiền là có thể bù đắp được tất cả.
Nói chuyện nhiều hơn với mẹ, tôi nhận ra rằng việc gửi 3.000 NDT hàng tháng cho mẹ thực chất chỉ là một cách để chạy trốn trách nhiệm. Tôi dùng tiền để không phải chăm sóc mẹ và nghĩ rằng điều này là hiếu thảo. Song thực tế sự hiếu thảo chân thành không chỉ đo bằng tiền bạc, điều cần làm hơn cả là sự đồng hành.
Với trải nghiệm của bản thân, tôi hy vọng bạn cũng hiểu được rằng con cái phụng dưỡng, chu cấp tài chính cho bố mẹ là điều cần làm. Tuy nhiên, những người làm con như chúng ta cũng nên dành thời gian cho đấng sinh thành. Bầu bạn cùng họ, quan tâm, chăm sóc sức khỏe là cách tốt nhất để thể hiện lòng hiếu thảo.
Khi còn nhỏ, cha mẹ chỉ mong con phát triển khỏe mạnh. Lớn hơn một chút, cha mẹ bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn, mong con học tốt, tránh xa những thứ tiêu cực. Và lúc con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học, cha mẹ mong con mình sau khi tốt nghiệp tìm được một công việc tốt.
Những kỳ vọng của cha mẹ đều hướng đến mục đích chung là mong con nên người, có cuộc sống vui vẻ. Thế nhưng càng lớn, với những bộn bề của cuộc sống, công việc, nhiều người hiếm khi quan tâm xem cha mẹ thật sự cần gì ở mình. Dù không nói ra, song cha mẹ nào cũng mong được con cái kề cận, yêu thương mỗi ngày.
Con cái không thể chỉ dùng tiền bạc để bày tỏ lòng hiếu thảo mà còn cần cảm nhận nhu cầu của bố mẹ bằng cả tấm lòng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới làm tròn trách nhiệm của 2 từ “hiếu thảo”.