Sau 2 tuần chạy đôn chạy đáo tìm lớp học tiền tiểu học cho cậu con trai 5 tuổi, chị Minh Châu (38 tuổi, Tân Triều, Hà Nội) cảm thấy mệt mỏi xen lẫn hoang mang bởi có quá nhiều thông tin quảng cáo lớp học, không rõ chất lượng thực sự tới đâu.
"Những lớp được người quen quảng cáo chất lượng tốt lại quá xa nhà và đắt đỏ, cao nhất 400.000 đồng, rẻ cũng khoảng 200.000 cho một buổi học 2 tiếng", chị Châu nói.
Chị Châu cũng tham gia một số hội nhóm trên mạng xã hội để tham khảo các lớp học thêm cho con trước khi vào lớp 1. Chỉ với từ khoá "tiền tiểu học", chị nhận về hàng trăm bài viết, quảng cáo được hiển thị.
Lớp tiền tiểu học mọc lên như nấm
Nhiều trung tâm quảng cáo tuyển sinh quanh năm, chỉ cần phụ huynh mong muốn cho con học, trung tâm sẽ bố trí lớp, không cần chờ đến hè. Theo bài đăng của trung tâm A.S tại Quảng Ninh, mỗi lớp tiền tiểu học tại đây chỉ tuyển từ 2 đến 5 học sinh. Trung tâm đào tạo theo phương pháp cá thể hoá, tức mỗi em sẽ có kế hoạch học tập riêng. Đơn vị này cũng hứa hẹn trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ tự tin vào lớp 1.
Không chỉ các trung tâm, nhiều người tự xưng là thầy, cô công khai đăng đàn chiêu mộ học sinh trên các hội nhóm gia sư. Ở mỗi bài đăng, những người này nêu rõ nội dung trẻ được học như: Tập đọc bảng chữ cái, từ, câu, luyện viết các nét cơ bản, làm quen số từ 1 đến 10, nhận biết hình, cộng trừ và so sánh trong phạm vi 10.
Bắt đầu từ tháng 3, các bài đăng quảng cáo này xuất hiện dày đặc, nhận được quan tâm lớn của đông đảo phụ huynh. Đa số lịch học các lớp tiền tiểu học đều khoảng 3 buổi/tuần, mỗi buổi học kéo dài 2 giờ.
Trong chính các hội nhóm như trên, các phụ huynh cũng ráo riết đăng bài tìm chỗ học gần nhà cho con. Có những người con mới học 4 tuổi đã vội vàng 'đầu tư' học thêm để chuẩn bị vào lớp 1.
"Tiền mất tật mang"
Kinh nghiệm hơn 10 năm dạy trẻ, cô Ngọc Anh - giáo viên một trường mầm non tại Hà Nội nhận thấy phong trào cho trẻ học thêm trước khi vào tiểu học ngày càng gia tăng. "Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ thông tin, nhiều gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi cho con theo học tại các lớp tự phát, kém chất lượng", nữ giáo viên chia sẻ.
Cô Ngọc Anh từng nhận được nhiều cuộc gọi "cầu cứu" từ phụ huynh cho con học 4 - 5 tháng ròng rã tại các "lò luyện" tiền tiểu học, để rồi ngã ngửa khi biết con học sai kiến thức chương trình chuẩn của sách giáo khoa. Thậm chí, nhiều trẻ được dạy đánh vần sai cách, quen nếp cũ nên khi vào lớp 1 sửa còn khó hơn học mới từ đầu.
"Nhiều phụ huynh tưởng yên tâm khi đầu tư tiền triệu cho con học trước nhưng hoá ra lại thành học chậm hơn các bạn vì mất thời gian rèn lại" , cô Ngọc Anh nói và khuyến cáo phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin lớp học, tránh đi lại "vết xe đổ" của những người đi trước.
Cô Trần Phương Dung (Quản lý mầm non tư thục Hoa Lê, Quảng Ninh) chia sẻ: "Thời gian gần đây, số lượng lớp tiền tiểu học tự phát tăng cao, thậm chí nhiều người dạy không có chuyên môn, kinh nghiệm. Việc phụ huynh đổ xô cho con đi học các lớp thế này chưa hẳn đã tốt cho trẻ, thậm chí gây ra tác dụng ngược".
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non không cho phép dạy trước kiến thức chương trình lớp 1, nhưng phụ huynh vẫn sốt sắng tìm mọi cách cho con học thêm ở ngoài, coi việc đó quan trọng hơn việc đến lớp chính khoá hàng ngày.
"Kiến thức lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá khá nặng, nhưng không đòi hỏi học sinh phải đọc "vanh vách" hay viết thành thạo ngay từ đầu năm học", cô Dung nói và cho hay, để chuẩn bị tốt cho việc nhịp với lớp 1, trẻ chỉ cần nhận biết số và dấu ở mức cơ bản, chưa cần biết tính toán cộng trừ ngay ở đầu lớp 1.
"Trang bị trước khi chuyển cấp là tốt nhưng trang bị thế nào phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện mỗi gia đình. Phụ huynh thay vì bỏ khoản tiền lớn chạy đua cho con vào các lớp tiền tiểu học không rõ về chất lượng, hãy dành thời gian khoảng 30 phút, 1 tiếng buổi tối để vừa học vừa chơi cùng con", cô Dung nói.