Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn một tuyên bố từ Nhà Trắng nêu rõ: “Với các thỏa thuận công bằng và chắc chắn, thương mại quốc tế có thể được vận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa hàng triệu việc làm trở lại Mỹ và làm hồi sinh các cộng đồng đang bị tổn thương của nước Mỹ.
Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi hiệp định TPP và đảm bảo rằng mọi thỏa thuận thương mại mới sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ”.
Đây là quyết định sẽ khiến không ít đối tác của Mỹ thất vọng, song không hề gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Donald Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới này trong ngày đầu tiên cầm quyền tại Nhà Trắng.
Tân Tổng thống Trump, người chủ trương thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế “Nước Mỹ trên hết”, cũng ngỏ ý rằng Chính phủ của ông sẽ tập trung vào các thỏa thuận song phương. Quyết định trên được đưa ra bất chấp việc Nhật Bản, một trong những đồng minh và đối tác lớn nhất của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, ngày 19/1 vừa phê chuẩn TPP, thỏa thuận mà nếu được triển khai sẽ chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Nếu TPP không trở thành hiện thực, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và không phải là một thành viên TPP, có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tác động tới các quy định thương mại khu vực.
TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Nếu có hiệu lực, TPP sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo các nhà kinh tế, TPP có thể bổ sung tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.