Hồi chuông báo động về "an ninh quốc gia"
Gần đây, chủ đề an ninh quốc gia liên tục được đề cập và đặc biệt thu hút sự chú ý của chính phủ cũng như truyền thông, dư luận Trung Quốc.
Có phân tích cho rằng, giai đoạn hiện nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chính phủ nước này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt với những đối tượng mà nhà chức trách nước này gọi là "thế lực thù địch" hay "tổ chức gián điệp".
Ngày 15/4 vừa qua, Bắc Kinh đã lần đầu tiên tổ chức Ngày giáo dục an ninh quốc gia với mục đích nâng cao ý thức trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của công dân.
Giới truyền thông cho hay, những năm gần đây, số lượng vụ án liên quan đến "tổ chức gián điệp", trộm tài liệu bí mật quốc gia được cơ quan an ninh Trung Quốc phát hiện ngày càng nhiều.
Chính phủ Trung Quốc nhận định, mục tiêu của các tổ chức gián điệp nước ngoài hướng tới không chỉ là đội ngũ quan chức chính phủ mà còn là tầng lớp trí thức như nhân viên công chức, học sinh sinh viên...
Bên cạnh đó, những địa điểm công cộng gần các cơ sở quân sự, nghiên cứu bí mật chính là địa bàn hoạt động của các "tổ chức gián điệp" này.
Hình ảnh trong chiến dịch tuyên truyền "Tình yêu nguy hiểm" của Trung Quốc nhằm nhắc nhở các nữ công chức tránh tiếp xúc với những chàng Tây “điển trai” có thể là... gián điệp.( Ảnh: 163.com)
Ý thức công dân lơ là
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn lời Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Dương Nghị cho hay, ý thức về an ninh quốc gia của người dân nước này còn khá lơ là.
Ông này chỉ ra, ngay cả giới trí thức trong nước vẫn đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm "gián điệp" và "tội phạm tình nghi". Đây là điều hết sức nguy hiểm khi mà Trung Quốc đang ở bước khởi điểm trong công cuộc cải cách toàn diện xã hội.
Do đó, các "tổ chức gián điệp" sẽ không ngừng lợi dụng sơ hở trong quần chúng để phá hoại công cuộc cải cách quốc gia. Điều này sẽ mang tính uy hiếp cực kỳ lớn đến lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc.
Báo Giải phóng quân (Trung Quốc) cũng chỉ ra, một lực lượng nòng cốt khác của Trung Quốc dễ trở thành đối tượng tấn công của các "tổ chức gián điệp" này. Đó chính là quân nhân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Phân tích chỉ ra rằng, trong thời đại thông tin hóa, vấn đề an ninh mạng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, đại đa số quân nhân này lại thiếu hiểu biết hoặc trình độ kỹ thuật kém cũng như không có khả năng ứng phó tấn công an ninh mạng.
"Mối nguy hiểm lớn nhất chính là không ý thức được nguy hiểm", tờ này bình luận.
Luật chống gián điệp được truyền thông Trung Quốc đề cập nhiều những ngày qua. (Ảnh minh họa: Huanqiu)
Quân nhân cũng thành mục tiêu
Từ sau khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với lực lượng quân đội được trang bị thuộc hàng mạnh nhất, chính phủ Trung Quốc lo lắng nước này sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của hoạt động tình báo và có nguy cơ đối diện với những cuộc chiến tranh cục bộ.
Đặc biệt, dư luận đánh giá hiện nay Trung Quốc đang ở trong giai đoạn khá "nhạy cảm" bởi chính một bộ phận giới quân nhân nước này không hoàn toàn tin tưởng ở kết quả của cuộc cải cách quân đội do ông Tập Cận Bình khởi xướng.
Kế hoạch cải cách này ảnh hưởng đến nhiều tập đoàn lợi ích có quyền lực tại Trung Quốc nên nếu cải cách thất bại, ông Tập sẽ phải đối mặt với hậu quả khó lường, Đại tá về hưu Nhạc Cương nhận định.
Dư luận đánh giá, đây là một trong những mối nguy hiểm về an ninh quốc gia mà nhà lãnh đạo Trung Quốc cần thận trọng đề phòng.
Ngoài ra, Thiếu tướng Dương Nghị đưa ra cảnh báo, hoạt động của "tổ chức gián điệp" ngày càng trở nên tinh vi và khôn khéo.
Lực lượng này thường lợi dụng trà trộn vào những lĩnh vực như kinh doanh, du lịch, giao lưu học thuật, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cứu trợ nhân đạo... với mọi thủ đoạn để lôi kéo đảng viên cũng như công dân Trung Quốc.
Do đó, ông Tập Cận Bình cần có những quyết sách tỉnh táo và thông minh để đối phó lại hoạt động tình báo này.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin ngày 19/4 , Hoàng Vũ - cựu nhân viên kỹ thuật của một cơ quan nghiên cứu khoa học bí mật đã bị kết án tử hình với tội danh bị đánh cắp và chuyển bán 150.000 tài liệu mật của chính quyền nước này cho "tổ chức gián điệp nước ngoài".
Đến ngày 20/4, dư luận Trung Quốc một lần nữa rúng động trước thông tin nhiều tọa độ của các cơ sở quân sự bí mật bị lộ bởi một thanh niên Chiết Giang chụp trộm ảnh để cung cấp cho đối tượng người nước ngoài.