"Chiếu tướng" Nga ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ "lên ngôi" ở Nagorno-Karabakh?

Trương Mạnh Kiên |

Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Nga ở cả Syria và Libya, buộc Moscow phải thỏa hiệp và có một vị thế cân bằng.

Chiếu tướng Nga ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lên ngôi ở Nagorno-Karabakh? - Ảnh 1.

Nga đã có sự cân bằng tinh tế ở Nagorno-Karabakh.

Cân bằng tinh tế

Azerbaijan tuyên bố giành chiến thắng trước Armenia vào tuần trước sau khi thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian kết thúc sáu tuần giao tranh dữ dội ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Cuộc xung đột đã khiến hơn 100.000 người phải di dời kể từ tháng 9. Đây được coi là sự leo thang mới nhất trong "cuộc xung đột đóng băng" đã kéo dài hàng thập kỷ.

Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 9/11 cho thấy cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - hai thế lực quan trọng bên ngoài cuộc xung đột - một lần nữa có thể hợp tác bất chấp những khác biệt, nhưng việc ưu tiên các mục tiêu địa chính trị mà không có những nỗ lực chủ động trên thực địa thì hòa bình lâu dài giữa Azerbaijan và Armenia vẫn còn là viễn cảnh xa vời.

Trong bước đi vừa qua ở Nagorno-Karabakh, Moscow đã theo đuổi một hành động cân bằng cẩn thận. Nga có hiệp ước quốc phòng quan trọng với Armenia và một căn cứ quân sự ở đó nhưng nước này cũng bán vũ khí cho Azerbaijan. Bởi vậy, Nga đã nắm trong tay vị thế một nhà môi giới quyền lực quan trọng.

Xét cho cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nhấn mạnh rằng cả Yerevan và Baku đều là "đối tác bình đẳng". Về lý tưởng, Moscow muốn duy trì đòn bẩy đối với cả hai quốc gia hậu Liên Xô, theo The New Arab.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan, duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Baku trong nhiều thập kỷ, trong đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng ông sẽ hỗ trợ Azerbaijan "trên chiến trường hoặc trên bàn đàm phán." Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Azerbaijan thời hậu Liên Xô vào năm 1991, trong khi Ankara không có quan hệ ngoại giao với Armenia.

Lập trường của Ankara đã thúc đẩy Moscow phải thích ứng. Mặc dù có quan hệ chặt chẽ với Armenia trước khi xảy ra xung đột, nhưng Moscow dường như cảm thấy lợi ích tốt nhất là giữ cho cuộc xung đột "đóng băng một nửa".

Sau cùng, bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ cung cấp "mọi hỗ trợ cần thiết" cho đồng minh Armenia nếu xung đột diễn ra ở khu vực Nagorno-Karabakh, điều cho thấy họ muốn duy trì hiện trạng.

Nagorno-Karabakh là một giai đoạn khác trong mối quan hệ đang phát triển của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cả hai nước đều sử dụng chủ nghĩa thực dụng để giải quyết những khác biệt về chính sách đối ngoại của mình. Điều này đã từng được thể hiện khi cả hai thiết lập một lệnh ngừng bắn khi xung đột bùng lên giữa Azerbaijan và Armenia vào tháng 4/2016.

Khoảng trống đã xuất hiện sau khi lập trường không thống nhất với các bên quốc tế khác trong cuộc xung đột, cho phép Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lấn sân và trở thành những bên thống trị. Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút lại vai trò trong các cuộc xung đột như vậy, và tình trạng tê liệt của Washington sẽ còn tiếp tục do bận rộn bầu cử và chuyển giao quyền lực cho đến tháng 1 năm sau.

Liên minh châu Âu (EU) cũng không thực hiện được các sáng kiến ​​ngoại giao nghiêm túc và cũng đang bị chia rẽ - một phần do chủ nghĩa phiêu lưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và mong muốn kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay cả với Nagorno-Karabakh, mặc dù Pháp nói rằng họ sẽ ủng hộ một giải pháp hòa bình cân bằng cho cả hai bên, ông Macron trước đó tuyên bố "đứng về phía Armenia" trong khi xung đột bắt đầu, đồng thời chỉ trích điều mà ông gọi là luận điệu "hiếu chiến" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Xung đột chưa xong

Chiếu tướng Nga ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lên ngôi ở Nagorno-Karabakh? - Ảnh 2.

Hòa bình lâu dài giữa Azerbaijan và Armenia còn xa vời.

Mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị thế quan trọng để làm trung gian hòa giải, nhưng sáng kiến ​​mới nhất do Nga dẫn đầu này có thể không đạt được hòa bình lâu dài. Mô hình như vậy đã xuất hiện trong các cuộc xung đột khác, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nổi lên như những người môi giới quyền lực thống trị, trong khi Mỹ và EU không hành động.

Tại Syria và Libya, Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad và nhiều người cho rằng có phần nghiêng về Khalifa Haftar của Quân đội Quốc gia Libya (LNA), trong khi Ankara ủng hộ phe đối lập Syria và Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA).

Kết quả là, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Nga ở cả hai nước, buộc Moscow phải thỏa hiệp và có một vị thế cân bằng. Sự ủng hộ của lực lượng này dành cho phe đối lập Syria ở Idlib đã ngăn cản chính quyền Assad giành lại lãnh thổ.

Và sau khi Ankara can thiệp để hỗ trợ GNA ở Libya, điều này cũng đã đẩy lùi bước tiến của tướng Haftar, buộc Moscow phải tính toán lại các chính sách của mình, khiến cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành những nhà môi giới quyền lực hàng đầu.

Tuy nhiên, bất ổn vẫn còn ở cả Syria và Libya, và rủi ro vẫn tiếp diễn, do chỉ có những nỗ lực yếu ớt từ các thế lực bên ngoài khác nhằm theo đuổi một giải pháp có thể xoa dịu căng thẳng trong nước.

Trong khi Nagorno-Karabakh có thể sẽ dẫn đến một diễn biến mới, như Nga đã cho thấy họ sẽ tiếp tục dẫn đầu các sáng kiến ​​ngoại giao, một hành động cân bằng giữa Moscow và Ankara, và cả Iran, sẽ đảm bảo rằng xung đột vẫn "đóng băng". Hơn nữa, căng thẳng đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan sẽ phản ánh sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong hành động.

Ngoại giao giữa hai bên tham chiến có thể là một viễn cảnh xa vời, có nghĩa là sẽ khó đạt được một giải pháp lâu dài giữa Yerevan và Baku, điều mà ngay cả lệnh ngừng bắn vào năm 1994 và các sáng kiến ​​hòa bình sau đó cũng không thể tạo thuận lợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại