Indonesia sản xuất Su-35
Đại sứ Indonesia tại Nga Vahid Supriyadi tuyên bố trước truyền thông Nga rằng, lực lượng không quân nước này sẽ mua 8 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 của Nga, cùng với việc sản xuất nhiều chiếc khác theo điều khoản chuyển giao công nghệ,
Ông Vahid Supriyadi nhấn mạnh rằng, về cơ bản là hai bên đã hoàn tất quá trình đàm phán các điều khoản hợp đồng mua máy bay do Nga sản xuất, hiện đang bàn về giai đoạn quyết toán, đặc biệt là vấn đề phía Nga chuyển giao công nghệ sản xuất Su-35 cho Indonesia.
Ông cho bết, hiện vẫn chưa rõ cụ thể là nước này sẽ sản xuất bao nhiều chiếc Su-35 sau khi được chuyển giao công nghệ nhưng tại thời điểm này có thể khẳng định rằng, thông tin chắc chắn là phía Indonesia sẽ mua 8 chiếc Su-35 sản xuất tại Nga.
Theo ông, đây là giai đoạn đầu tiên của sự hợp tác trong lĩnh vực này, còn giai đoạn 2 là hợp tác chuyển giao công nghệ để nâng tầm ngành công nghiệp quốc phòng nước này mới là quan trọng. Luật pháp của Indonesia quy định, mỗi thiết bị quân sự được mua phải đi kèm với việc chuyển giao công nghệ.
Ông Jan Pieter Ate - Cục trưởng Cục Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng Indonesia xác nhận rằng, bất kỳ hợp đồng mua vũ khí nước ngoài nào của Indonesia cũng phải kèm theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ chế tạo, để phát triển công nghiệp hàng không nước nhà.
Việc Indonesia quyết định mua Su-35 có thể là do lãnh đạo 2 nước đã đạt được thỏa thuận tháo gỡ nút thắt khó khăn nhất của thương vụ là việc nước này yêu cầu Nga phải chuyển giao ít nhất 35% công nghệ, thì Jakarta mới quyết định mua chiến đấu cơ thế hệ 4++ này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định, nước này đã thông qua phương án mua các chiến đấu cơ Su-35, bởi phi công Indonesia đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng máy bay Nga, do trong biên chế không quân nước này có vài chục chiếc Su-27 và Su-30.
Hơn nữa, xu hướng hiện nay là các loại vũ khí Nga, đặc biệt là chiến đấu cơ đang rất được ưa chuộng, sau khi nhóm máy bay chiến đấu thuộc không quân của nước này đã sử dụng chúng đạt hiệu quả rất cao, trong chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.
Vị Đại sứ Indonesia tại Nga khẳng định rằng, qua các biểu hiện trong đàm phán, phía Nga không quan ngại Indonesia về vấn đề chuyển giao công nghệ. Do đó, hiện giờ chỉ còn lại vấn đề thủ tục quyết toán cuối cùng và ký hợp đồng chính thức" - nhà ngoại giao này cho biết.
Ấn Độ sản xuất máy bay tàng hình
Cùng với việc cho phép Indonesia sản xuất Su-35 bằng hình thức chuyển giao công nghệ, Nga cũng cho phép Ấn Độ sản xuất Su-30MKI và tự nâng cấp lên bản tàng hình.
Hãng Spunik dẫn nguồn tin từ Nhà máy sản xuất máy bay Irkutsk (Nga) cho biết, Irkutsk sẽ cung cấp 40 máy bay chiến đấu Su-30MKI cho Không quân Ấn Độ (IAF). Những máy bay này được sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép của Nga.
Cùng với đó, Ấn Độ đang đàm phán với Nga về gói nâng cấp 194 chiếc Su-30MKI lên thành máy bay chiến đấu gần đạt thế hệ thứ 5, tức gần như máy bay tàng hình, với chi phí hơn 8 tỉ USD. Các chiếc Su-30 nâng cấp này gọi là Super Sukhoi.
Để đẩy nhanh quá trình đàm phán, một nhóm quan chức Nga vừa đến New Delhi để thảo luận kế hoạch nâng cấp trên, và dự kiến sẽ chốt lại vào trong 4 hoặc 6 tháng tới.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên thương vụ tàng hình hóa Su-30MKI được nhắc đến trong nỗ lực tăng cường sức mạnh Không quân của Ấn Độ. Tuy nhiên, số lượng máy bay có nhiều khác biệt.
Ngay từ năm 2012, tờ Indian Express trích dẫn các nguồn tin ngoại giao của Ấn Độ xác nhận, trong chuyến thăm của Thủ tướng Manmohan Singh sang Nga, một hợp đồng mua thêm 42 chiến đấu cơ "chuẩn tàng hình" Su-30MKI đã được thảo luận và sẵn sàng ký kết.
Theo nguồn tin này, Ủy ban Nội các an ninh Ấn Độ đã đưa ra quyết định mua thêm 40 chiến đấu cơ Sukhoi từ năm 2010, nhưng các cuộc đàm phán đã bị kéo dài vì Ấn Độ đang cân nhắc đến một số tính năng ở các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Cuối cùng, phía Nga đã đồng ý nâng cấp các máy bay chiến đấu Su-30MKI lên biến thể mới nhất (được gọi là Super Sukhoi) với các đặc tính bổ sung. Biến thể Su-30MKI Super Sukhoi sẽ có buồng lái mới, radar nâng cấp và khả năng tránh radar phát hiện.
Đáng chú ý, biến thể mới có thể mang tải trọng vũ khí nặng hơn, đặc biệt, máy bay có thể trang bị tên lửa hành trình chống tàu siêu âm BrahMos. Với cách bán hàng và chuyển giao công nghệ Nga dành cho Ấn Độ và Indonesia cho thấy, việc sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 không còn là thế mạnh của Trung Quốc trong khu vực.