Chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 đã in sâu vào văn hóa và chính trị Nga như thế nào?

Trung Hiếu |

77 năm sau Thế chiến II, Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 vẫn được coi là ngày lễ quan trọng nhất của Nga. Cuộc Chiến tranh Vệ quốc đó đã in sâu vào nền văn hóa và chính trị Nga ngày nay, góp phần tạo nên bản sắc và thế giới quan của dân tộc Nga…

Cuộc diễu hành của “Trung đoàn Bất tử” ở thành phố Vladivostok (Nga), trong đó người dân mang theo chân dung của người thân từng là chiến sĩ Hồng quân tham gia Thế chiến II. Ảnh: AFP.

Cuộc diễu hành của “Trung đoàn Bất tử” ở thành phố Vladivostok (Nga), trong đó người dân mang theo chân dung của người thân từng là chiến sĩ Hồng quân tham gia Thế chiến II. Ảnh: AFP.

Đối với người Nga, ngày 9/5 là một ngày lễ rất đặc biệt. Sự chú ý mà họ dành cho ngày này có thể là điều khác lạ đối với những người đến từ các nước và nền văn hóa khác. Không quá khi nói, “với người Nga, Thế chiến II chỉ mới kết thúc hôm qua thôi”.

Ký ức về địa ngục trần gian không thể nào quên

Evgeny Dering là một bác sĩ thú y chuyên chăm sóc ngựa. Ông sống ở Saint Petersburg, hồi đó mang tên Leningrad. Vào ngày 22/6/1941, ông ra chiến trường. Trước khi lên đường, ông bảo người vợ tên Regina đưa 2 cậu con trai và 1 cô con gái mới sinh vào tháng 4 đi sơ tán ở vùng xa của nước Nga. Yêu cầu này của Dering về sau đã cứu mạng sống cho vợ con của ông.

Một vài ngày sau đó, Regina đưa ba đứa con thơ tới ngôi làng Makarevo ở tỉnh Nizhny Novgorod (khi đó gọi là Gorky) và trú tại một tu viện có từ thế kỷ 15 được dùng làm nơi tá túc cho những người tản cư như bà.

Hơn 600.000 cư dân Leningrad đã chết vì nạn đói khi phát xít Đức thực hiện cuộc đại bao vây thành phố này. Regina sống sót cùng 3 người con nhưng bà không bao giờ gặp lại chồng mình được nữa. Vào tháng 10/1943, Evgeny Dering đã hy sinh do đạn pháo của địch tại khu vực đầu cầu sình lầy bên bờ sông Dnieper.

Đối với người Nga, Ngày Chiến thắng theo đúng nghĩa đen là dịp lễ kỷ niệm Chiến thắng trước Cái chết, dịp lễ mà gần như bất cứ ai ở quốc gia này cũng có liên quan. Hầu như mỗi gia đình đều có một câu chuyện về chú bác ông bà mình thời chiến. Các câu chuyện như thế rất đa dạng, nhưng thường có một điểm chung là rất kịch tính. Rất nhiều trong số đó là về những người đã qua đời. Trong Thế chiến II, Liên Xô tổn thất tới hơn 27 triệu sinh mạng, bao gồm khoảng 12 triệu quân nhân, số còn lại là dân thường đã chết dưới tay phát xít Đức, khi chiến đấu hoặc do đói khát. Vào thời điểm Berlin thất thủ và trùm phát xít Adolf Hitler tự sát trong boong-ke vào năm 1945, Liên Xô là một đất nước mà hầu như mọi người dân đều có một người thân thiệt mạng do chiến tranh. Trường hợp những người chỉ mất có mỗi bạn bè là hiếm hoi và được xem như may mắn.

Đức Quốc xã đã tiến hành chiến tranh chống Liên Xô với sự bạo tàn chưa từng thấy. Người gốc Do Thái không được tha, nhưng cũng chẳng có điều tốt đẹp nào đợi chờ những nhóm người khác trong xã hội Liên Xô khi ấy.

Một cơ sở dữ liệu của chính phủ Belarus chứa đựng tên của 9.000 ngôi làng bị quân xâm lược thiêu cháy trong chiến tranh. Mà đấy là con số của một trong các nước cộng hòa bị chiếm đóng thuộc Liên Xô. Ở nhiều thôn ấp bị triệt hạ, số nạn nhân thường trùng hoặc gần bằng số cư dân của nơi đó vào lúc đó. Phương pháp hủy diệt phổ biến nhất mà phát xít Đức áp dụng là lùa người dân vào một nhà kho và phóng hỏa thiêu đốt. Ngoài ra, người dân còn thiệt mạng do đạn pháo hoặc bị bỏ đói. Nhiều khi họ bị lính Đức lôi ra nhả đạn một cách nhẫn tâm. Hitler đã ban hành một sắc lệnh đặc biệt, miễn trừ các tội hình sự chống lại dân thường như thế này.

Hội Chữ thập Đỏ cũng không giúp ích được gì, vì xe cứu thương và tàu thuyền đều bị phá hủy bởi hỏa lực trực tiếp. Kẻ địch không phân biệt tuổi tác của nạn nhân – số trẻ em bị giết ngang với người lớn.

Tình đoàn kết, đức hy sinh, ý chí, và bài học cảnh giác

Tất nhiên đối với người Nga, Thế chiến II không chỉ là chuyện buồn đau. Đó còn là huyền thoại về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc – một người công nhân bình thường và một nhà soạn nhạc tầm cỡ thế giới có thể hội tụ trong một đội cứu hỏa tình nguyện. Cùng trong một chiến hào, một thanh niên phóng khoáng đến từ Moscow có thể chia sẻ bánh mì với một thợ mỏ từ vùng Donbass hay một anh lính gốc Á quê ở Kazakhstan. Đó là câu chuyện về khả năng diệu kỳ không chịu từ bỏ ngay cả khi mọi hoàn cảnh đều chống lại mình và việc kháng cự dường như vô hiệu. Sau mỗi lần thua trận, các sĩ quan còn sống sót đều sẽ mổ xẻ các thất bại của mình, tìm cho ra chỗ sai của mình và cách khắc phục. Đó còn là câu chuyện về đức hy sinh đáng kinh ngạc, khi mà việc tuyển tân binh tình nguyện cho một đơn vị quân sự mới lại y như quá trình tuyển sinh đại học đầy cạnh tranh.

Cuối cùng là câu chuyện về chiến thắng quân sự. Đệ tam Đế chế (tức phát xít Đức) thực sự nguy hiểm. Đội quân xâm lược đông tới 7 triệu tên đã tới vùng Kavkaz, đe dọa chiếm thủ đô Moscow và thành phố Leningrad nhưng cuối cùng đã bị đánh bại tơi bời. Với người Nga, chiến thắng đó đi kèm với việc phải đổ bao xương máu. Cái giá mà người dân Nga phải trả cho Ngày Chiến thắng cuối cùng thật khủng khiếp.

Ở Nga, chúng ta ít nghe thấy cụm tự “Thế chiến II”. Ngày nay, người dân Nga vẫn dùng phổ biến thuật ngữ “ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Đó là vì người Nga muốn nhấn mạnh rằng đây là một sự kiện đặc biệt, vượt xa một cuộc xung đột vũ trang thông thường. Đối với họ, đây là một trường ca anh hùng thực sự.

Cho tới nay, ký ức về cuộc chiến đó đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống ở nước Nga, từ những câu chuyện cá nhân, cho đến nền văn hóa, và thậm chí cả nền chính trị của đất nước này.

Việc chính phủ Nga bị ám ảnh về an ninh biên giới phía Tây phần nào là vết tích hằn sâu của cuộc xâm lược do Đức Quốc xã phát động năm nào, khi Liên Xô phải rút lui và bị dồn vào chân tường. Ký ức đó thực sự tác động mạnh vào mối quan hệ của Nga với các nước láng giềng và gần như không thể gột bỏ.

Một bài học nữa mà người Nga đã rút ra từ quá khứ chiến tranh: Họ có thể vượt qua các khó khăn thử thách, trụ vững, và tái thiết đất nước./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại