Chiến tranh công nghệ siêu cường

Cao Lực |

Tình trạng phân chia kỹ thuật số gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể sớm buộc các cá nhân, công ty và thậm chí là nhiều quốc gia lựa chọn hệ thống

Tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đã buộc các nhà sản xuất ôtô và các ngành công nghiệp khác giảm sản lượng trong năm nay. Ảnh: REUTERS

Tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đã buộc các nhà sản xuất ôtô và các ngành công nghiệp khác giảm sản lượng trong năm nay. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ bằng các khoản đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), robot, 5G và 6G, bên cạnh vi mạch và công nghệ giám sát.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người lên kế hoạch tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng gói ngân sách 330 tỉ USD, từng nhấn mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc không khác gì cuộc chiến để "giành thắng lợi trong thế kỷ XXI".

Tổn thất nặng nề

Theo giới chuyên gia, cái gọi là "chiến tranh lạnh công nghệ" đang nhanh chóng trở thành trận địa quyết định trong cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung. Washington đã tìm cách kiềm chế, ngăn Trung Quốc vươn mình thành cường quốc công nghệ thông qua những bước đi như cấm mạng 5G của Huawei tại Mỹ, tăng cường kiểm soát xuất khẩu phần mềm và linh kiện cho các công ty Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã cấm TikTok hoạt động tại Mỹ, với lý do ứng dụng này có thể lấy dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ) vào năm 2019, Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg khẳng định Trung Quốc vào thời điểm đó đang phát triển một thế giới trực tuyến khác với phương Tây, với những giá trị và nền tảng riêng.

Đến giờ, nền tảng mạng xã hội WeChat, thị trường trực tuyến Alibaba cùng công cụ tìm kiếm Baidu đã giúp Trung Quốc thiết lập không gian mạng tách biệt với không gian chịu sự thống trị của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Facebook, Amazon và Google.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng hệ sinh thái công nghệ riêng vẫn tiếp diễn, vượt ra khỏi phạm vi của nền tảng internet để hướng đến hệ điều hành, kiến trúc CPU, vệ tinh thông tin và hệ thống thanh toán có độ tương thích thấp với các sản phẩm của phương Tây.

Nhà phân tích Apjit Walia của Ngân hàng Deutsche (Đức) cảnh báo tình trạng phân chia kỹ thuật số gia tăng có thể sớm buộc các cá nhân, công ty và thậm chí là quốc gia lựa chọn hệ thống. Chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung sẽ khiến 2 nước nói riêng và thế giới nói chung chịu tổn thất nặng nề. Theo ước tính của Ngân hàng Deutsche, cuộc chiến này có thể làm bốc hơi hơn 3.500 tỉ USD trong 5 năm tới.

Bắc Kinh đang đầu tư rầm rộ vào nỗ lực nghiên cứu công nghệ cao, trong đó có kế hoạch 5 năm trị giá 1.800 tỉ USD nhằm thống trị AI, robot, 6G cũng như các lĩnh vực công nghệ khác đến năm 2035. Ông James Green, cựu quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, nhận định cuộc chiến công nghệ được mở rộng dưới thời cựu Tổng thống Trump sẽ không kết thúc trong tương lai gần.

Sự lệ thuộc nguy hiểm

Giữa lúc các nhà đầu tư từ lĩnh vực công lẫn tư nhân Trung Quốc đang rót tiền vào ngành công nghiệp bán dẫn nhằm thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp, Bộ Thương mại Mỹ mới đây cũng đã hối thúc các nhà lập pháp phê chuẩn ngân sách dành cho lĩnh vực này.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, 164 công ty Trung Quốc hoạt động trong ngành công nghiệp chip đã nhận được khoản đầu tư cổ phần tư nhân trị giá 6,2 tỉ USD, gần bằng khoản tiền này trong cả năm 2020, theo báo cáo của Công ty Katten Muchin Rosenman (Mỹ). Năm ngoái, các công ty chất bán dẫn Trung Quốc đã huy động được 21,59 tỉ USD từ chính phủ, các khoản đầu tư mạo hiểm, tài trợ nợ và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), báo cáo cho biết thêm.

Chính phủ Trung Quốc không công bố số liệu chính thức liên quan đến các khoản đầu tư bán dẫn. Theo báo South China Morning Post (SCMP), nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang ở giữa cơn chi tiêu chip mạnh mẽ chưa từng thấy.

Các dự án vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc mọc nhanh như nấm, bất chấp rủi ro lãng phí và thất bại. Tất cả đều xoay quanh mục tiêu của Bắc Kinh nhằm củng cố năng lực tự cung tự cấp chất bán dẫn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng khốc liệt. Chính phủ Trung Quốc đã và đang hỗ trợ lĩnh vực chip bằng những chính sách thuận lợi, bao gồm trợ cấp và cắt giảm thuế, nhằm kích thích đầu tư.

Tương tự, Washington cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực nêu trên. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hồi cuối tháng rồi kêu gọi Quốc hội phân bổ 52 tỉ USD trước tháng 8 này cho ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất chip của nước nhà. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm đảo ngược điều họ mô tả là "sự lệ thuộc nguy hiểm" vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 8-6, với 62 phiếu thuận và 38 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê duyệt khoản chi nêu trên và ủy quyền 190 tỉ USD nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc. Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh ngân sách dành cho ngành công nghiệp bán dẫn là cần thiết, bởi chúng đóng vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Theo Reuters, tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đã buộc các nhà sản xuất ôtô và các ngành công nghiệp khác giảm sản lượng trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại