Chiến sự Nga- Ukraine: Tái định hình phe nhóm

Ngọc Anh |

Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến sự Nga- Ukraine sẽ góp phần tái định hình phe nhóm trên thế giới.

Sau 6 tháng chiến sự, Nga đã giảm tốc tấn công Ukraine, trong khi vẫn đang tìm cách hóa giải các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm giảm bớt những tổn thất đến nền kinh tế.

Còn Ukraine vẫn đang chặn các đường tiếp tế, chi viện của Nga cho miền Nam để giành lại Kherson, thậm chí là Crimea như tuyên bố của Tổng thống Ukraine Zelensky. Cuộc chiến này càng kéo dài, thì sẽ càng gây thiệt hại cho 2 bên, kể cả những quốc gia chịu tác động của của cuộc chiến này, đồng thời cho thấy nhiều điều.

Cuộc chiến Nga- Ukraine liên quan đến Nga vốn đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận và cô lập về kinh tế, và Trung Quốc là một quốc gia cũng bị Mỹ và phương Tây cô lập về kinh tế.

Trước chiến sự Nga- Ukraine, việc cô lập của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc khá mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý Mỹ đã tung ra các lệnh cấm nhằm vào Huawei và các các doanh nghiệp bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Trong chiến sự Nga- Ukraine , sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga đã khiến tình trạng cô lập nói trên trở nên nghiêm trọng hơn.

Chiến sự Nga- Ukraine: Tái định hình phe nhóm - Ảnh 1.

Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau dưới sức ép cô lập của Mỹ và phương Tây

Trong thời Chiến trạnh Lạnh, phe nhóm được phân chia khá rõ ràng giữa một bên là Mỹ và phương Tây theo hệ thống kinh tế thị trường với một bên là Liên Xô cũ và các nước Đông Âu theo hệ thống kinh tế kế hoạch. Còn hiện nay, cả Trung Quốc và Nga đã đi theo mô hình kinh tế thị trường dù mức độ không đầy đủ kể từ khi hệ thống cộng sản ở Đông Âu sụp đổ.

TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, đặc điểm cơ bản của sự phân chia phe nhóm lần này nằm ở sự liên minh giữa một đối tượng đang bị cô lập về kinh tế xuất phát từ cạnh tranh địa kinh tế là Trung Quốc và một đối tượng bị cô lập xuất phát từ các lệnh cấm vận vì lý do địa chính trị là Nga.

Còn nhớ khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014, thì Trung Quốc đưa Giàn khoan 981 vào Biển Đông vào ngày 1/5/2014. Điều này cho thấy dường như có sự phối hợp nào đó giữa Nga và Trung Quốc nhằm làm phân tán sức mạnh của Mỹ và phương Tây để mỗi nước đạt được mục đích riêng của mình.

Hay như trong thời gian vừa qua, việc Tổng thống Nga Putin dự lễ khai mạc Olympics Mùa đông ở Bắc Kinh trước khi chiến sự Nga- Ukraine khoảng hai tuần đã gây nghi ngờ có sự thỏa thuận nào đó giữa Trung Quốc và Nga. Theo đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối phương Tây gây áp lực với Nga qua các lệnh trừng phạt. Đổi lại, Nga có thể sẽ ủng hộ Trung Quốc thống nhất Đài Loan trong tương lai.

Chiến sự Nga- Ukraine: Tái định hình phe nhóm - Ảnh 2.

Trung Quốc đang tăng cường mua dầu của Nga

Đến nay, Trung Quốc vẫn ngầm ủng hộ và hỗ trợ Nga trong chiến sự Nga- Ukraine, như mua dầu của Nga và hỗ trợ Nga trong thanh toán quốc tế thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

"Tất cả những điều nói trên cho thấy dù Nga và Trung Quốc không công khai một liên minh nào nhằm chống lại Mỹ và phương Tây, nhưng đang có sự chia phe nhóm rõ ràng giữa Mỹ và phương Tây với một bên là Trung Quốc và Nga", TS. Bùi Ngọc Sơn nhận định.

Ngoài ra, sự chia phe nhóm hiện nay phần nào cũng phải kể đến nhóm các quốc gia như Syria, Bắc Triều Tiên, Iran, Venezuela… vì các quốc gia này cũng đang chịu các lệnh trừng phạt, cấm vận của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt, các quốc gia này cũng có sự gắn kết không chỉ về chính trị mà cả kinh tế với cả Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô của những nền kinh tế này là khá nhỏ nên không thể có vai trò đáng kể trong nền kinh tế thế giới.

Như vậy, chiến sự Nga- Ukraine đã góp phần tái định hình rõ ràng hơn việc phân chia phe nhóm. Hiện chỉ còn lại hai nền kinh tế có vai trò đáng kể có thể làm thay đổi lại trật tự kinh tế thế giới, đó là Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc chỉ có thể hỗ trợ nhau trong hoàn cảnh khó khăn dưới sức ép của Mỹ và phương Tây, chứ khó có thể liên minh với nhau, vì hai quốc gia này có một số xung đột lợi ích địa kinh tế, địa chính trị. Thậm chí sau chiến sự Nga- Ukraine, Nga sẽ phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn về mặt kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại