Chiến lược hồi sinh NATO

PHƯƠNG LINH |

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trung tuần tháng 11, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đã thông qua 2 chiến lược quan trọng, trong đó đáng chú ý là NATO coi không gian vũ trụ là nơi cạnh tranh chiến lược trong những năm tới.

Đây được xem là nỗ lực của NATO nhằm vực dậy uy tín của liên minh nhằm đối phó với những biến động thế giới gần đây.

Thêm nhiều thách thức

Sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết, từng được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại của NATO, "cỗ máy quân sự hùng mạnh" này đã mở rộng từ 12 lên 29 thành viên.

Trong suốt 70 năm qua, kể từ khi thành lập năm 1949, NATO đã có kinh nghiệm vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ, từ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, thay đổi học thuyết hạt nhân trong thập niên 1960, Pháp rút khỏi cơ cấu chỉ huy liên hợp năm 1966 cho đến cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai năm 2003.

Thách thức nhiều hơn, nhưng hiện NATO lại bị đặt trước nhiều nghi vấn về tương lai, vai trò và chức năng của tổ chức này, nhất là sau bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, NATO đang "chết não" và việc Tổng thống Mỹ nêu ý tưởng rút ra khỏi liên minh quân sự này.

Từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì trên thực tế, NATO không có đối thủ trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, NATO buộc phải thích ứng với môi trường hoàn toàn mới.

Đối thủ của tổ chức này đa dạng và phức tạp hơn, không chỉ từ phía Đông như trong suốt chiều dài lịch sử mà nay xuất hiện ở cả hướng Nam. Không gian và hình thức xung đột cũng mở rộng ra ngoài khuôn khổ quy ước truyền thống: vũ trụ, không gian mạng, các thành phố châu Âu bị chủ nghĩa khủng bố tấn công.

Hầu hết các nguy cơ này đều nằm dưới mức cần phải viện dẫn điều V Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cho phép các nước thành viên yêu cầu NATO can thiệp trong trường hợp bị tấn công.

Chiến lược hồi sinh NATO - Ảnh 1.

NATO trước thách thức cải tổ sau 70 năm tồn tại. Ảnh: AP.

2 đề xuất, 2 chiến lược hồi sinh NATO

Trước những quan ngại trên, Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg khẳng định rằng, NATO đang nỗ lực hiện đại hóa tổ chức bằng cấu trúc chỉ huy hoàn toàn mới để giải quyết các mối đe dọa chung và an ninh mạng.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ), các Ngoại trưởng Đức và Pháp đã đưa các đề xuất làm hồi sinh NATO.

Theo đề xuất của Đức, cần phải lập một Uỷ ban dưới sự điều hành của Tổng thư ký NATO để thảo luận về tương lai tổ chức này và sẽ tổng hợp thành một báo cáo trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nguyên thủ NATO vào năm 2021.

Trong khi đó, Pháp đề xuất lập một nhóm chuyên gia gồm các nhà ngoại giao và chính trị gia kỳ cựu, thảo luận độc lập về các đường lối chính trị, về các mục tiêu, các giá trị của NATO cũng như tham vọng riêng của châu Âu.

Trong 2 đề xuất trên, đề xuất của Đức đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn cả. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, đây là một đóng góp có giá trị, nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh, đồng thời cho biết kế hoạch này sẽ được xem xét kỹ hơn trước Hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 4-12 tới ở London (Anh).

Về phần mình, Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi về các kế hoạch cải tổ NATO vào thời điểm này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, việc NATO tiến hành tự đánh giá để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra là "rất phù hợp", nhưng Washington hoài nghi liệu đây có thực sự là thời điểm thích hợp để thực hiện hoặc có phải là một cách làm đúng hay không.

Ngoài ra, tại hội nghị, các Ngoại trưởng NATO còn thông qua 2 chiến lược quan trọng. Theo đó, NATO coi không gian vũ trụ là nơi cạnh tranh chiến lược trong những năm tới và sẽ đầu tư vào đó để ganh đua với Nga và Trung Quốc.

NATO tuyên bố không quân sự hóa không gian, tức không đưa vũ khí lên không gian vũ trụ nhưng sẽ phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự của khối này. NATO cũng theo dõi chặt chẽ và phân tích tác động của việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng chi tiêu quân sự trong hơn 1 thập kỷ qua.

Đây là hai chiến lược mới, bên cạnh các chính sách cũ như coi Nga là mối đe dọa với NATO hay kêu gọi các nước thành viên sớm hoàn tất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên mức 2% GDP.

Các chuyên gia nhận định, vấn đề chính là NATO hiện nay là có thể biến đổi thành một liên minh chặt chẽ hơn về mặt chính trị hay không, tức là xa rời nguyên tắc phòng thủ tập thể ban đầu để trở thành một liên minh quân sự-chính trị chủ động can dự vào mọi điểm nóng trên thế giới. Sự thay đổi này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào ưu tiên chiến lược của Mỹ trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại