Tôi đã có thời gian sinh sống ở nước ngoài đủ lâu để nhận ra: trong danh sách những nền ẩm thực ngon nhất thế giới chắc chắn không thể không có cái tên Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Đùi gà hầm nấm và bí đỏ - nhìn mà đã chảy nước miếng
Người Việt Nam yêu thích nấu nướng và sáng tạo nhiều món ăn độc đáo, thơm ngon: vịt om sấu, phở nước, sườn xào chua ngọt,... Món nào cũng mềm mềm, thơm thơm, ngậy ngậy tuyệt cú mèo. Tuy vậy, mặt trái của việc nấu nướng nhiều sẽ là tốn gas (với người dùng bếp gas) và tốn điện (với người dùng bếp từ, hồng ngoại) – nói chung là tốn năng lượng.
Nấu nướng cầu kỳ có cái hại là rất đau ...ví mỗi khi thanh toán tiền điện hoặc mua gas
Có một dụng cụ nhà bếp vốn được các nước phát triển sử dụng từ nhiều chục năm nay không những giúp giảm năng lượng tiêu thụ khi nấu nướng mà còn làm món ăn ngon hơn nhưng người Việt Nam chúng ta lại ít biết đến – đó là cái nồi ủ.
Vậy nồi ủ là cái gì?
Nồi ủ, nồi giữ nhiệt hay nồi ủ chân không đa năng đều chỉ là những tên gọi khác nhau của một loại dụng cụ nhà bếp có chức năng giữ nóng thức ăn trong thời gian dài mà không cần phải liên tục cung cấp nhiên liệu hay năng lượng. Chúng thường được gọi tắt là nồi ủ cho ngắn gọn.
Hiểu một cách đơn giản thì nó giống với những chiếc cốc (ly) hay bình giữ nhiệt mà mọi người vẫn sử dụng để trữ nước nóng trong những ngày lạnh giá vậy.
Lịch sử của nồi ủ
Ngay từ thời trung cổ người ta đã nghĩ ra cách giữ nhiệt cho món ăn bằng cách sử dụng hai nồi đất nung đặt trong nhau. Kỹ thuật này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay: đun thức ăn lên đến nhiệt độ cao như bình thường, nhưng thay vì tiếp tục nấu (ninh) trên lửa thì chiếc nồi đang nóng sẽ được đặt trong một cái hộp hoặc lỗ trên mặt đất, xung quanh phủ bằng cỏ, rêu, lá khô... hoặc vật liệu cách nhiệt khác.
Nhiệt độ trong nồi sẽ được duy trì trong một khoảng thời gian đáng kể, và thức ăn bên trong nồi vẫn sẽ chín tiếp từ từ mà không cần phải giám sát. Cách chế biến thực phẩm này giúp tiết kiệm được cả thời gian lẫn năng lượng. Hơn nữa, những thực phẩm cần nấu lâu, nấu chậm, chẳng hạn như xương, thịt cứng rắn, các loại đậu, đỗ... đều sẽ trở nên mềm và nhừ tơi nhờ kỹ thuật này.
Vào giữa những năm 1990, nồi ủ bằng kim loại như chúng ta thấy hiện nay được phát triển ở châu Á. Ban đầu, loại nồi ủ này rất thịnh hành tại Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan,… Các nước nước Âu - Mỹ lại chuộng sử dụng nồi áp suất và nồi nấu chậm hơn. Tuy nhiên, hiện nay ở Úc-Âu-Mỹ cũng đã bắt đầu chuyển sang dùng nồi ủ chân không vì vấn đề tiết kiệm nhiên liệu đang được đặt lên hàng đầu.
Thảm họa hạt nhân khiến người Nhật càng phải tiết kiệm năng lượng
Sở dĩ, Nhật Bản được coi là quốc gia đưa việc sử dụng nồi ủ lên tầm thế giới vì nền văn hóa Nhật rất coi trọng tính tiết kiệm thông minh – khác với việc hà tiện nha các bạn! Họ luôn quý trọng mọi thứ và tìm cách sử dụng hợp lý nhất mà vẫn đạt kết quả cao mọi nguồn tài nguyên từ nhiên liệu, tiền bạc, cho đến thời gian. Đặc biệt từ sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima thì nồi ủ càng được sử dụng nhiều hơn và có nhiều cách tân theo các thế hệ.
Cấu tạo của nồi ủ
Nồi ủ gồm 2 bộ phận chính tách rời nhau được là lồng ủ và nồi nấu. Lồng ủ thường được chế tạo bằng thép và nhựa với 2 lớp, ở giữa được hút chân không nhằm chia tách môi trường nhiệt độ bên trong và bên ngoài nồi nấu, giúp giữ nhiệt cho quá trình ủ.
Tương tự, phần nắp đậy của lồng ủ cũng được chế tạo 2 lớp, ở giữa hút chân không để cách nhiệt cho phần trong của nồi nấu khi tiến hành ủ.
Một lưu ý phải nhớ khi sử dụng nồi ủ đó là: tuyệt đối không được để lồng ủ, nắp ủ tiếp xúc với nguồn nhiệt. Tức là, không bao giờ được cho phần lồng ủ lên bếp đun nha các bạn!!!!
Cách sử dụng nồi ủ
Sử dụng nồi ủ quả thật đơn giản: Chỉ cần cho thức ăn vào nồi nấu và đun cho đến khi sôi. Sau đó, nhấc nồi nấu khỏi bếp và cho vào trong lồng ủ và đậy nắp lại. Thức ăn sẽ được chín bằng nhiệt độ dư trong nhiều tiếng đồng hồ tiếp theo mà hoàn toàn không phải cấp nhiệt liên tục.
Thiên hạ đồn rằng: những đầu bếp nổi tiếng ở Quảng Đông - miền Nam Trung Quốc rất thích và mê nấu ăn bằng nồi ủ chân không vì các món ăn Quảng Đông thường đòi hỏi phải ninh, hầm rất lâu hoặc đun liu riu trong khoảng thời gian từ 3 - 5 tiếng – tức là tốn năng lượng cực kỳ. Nhờ có nồi ủ mà giờ đây trong khoảng thời gian đó họ chẳng phải đứng canh, cũng không mất thêm chút gas hay điện nào cả.
Nồi ủ đôi - nấu cùng lúc nhiều món ăn mà tốn cực ít năng lượng
Tổng kết
Với tình trạng năng lượng ngày càng đắt đỏ và khan hiếm như hiện nay thì việc sắm một chiếc nồi ủ là vô cùng xứng đáng. Các bạn còn chần chờ gì nữa mà không xúc luôn đi thôi!