Reuters dẫn lời người phát ngôn Liên Hiệp Quốc cho biết Belarus sẽ cho phép ngũ cốc Ukraine vận chuyển từ các cảng của Lithuania tới các cảng ở biển Baltic quá cảnh lãnh thổ nước này.
Hồi tháng 6 năm nay, Belarus - đồng minh của Nga - tuyên bố cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh nếu họ được phép vận chuyển hàng hóa của mình từ các cảng ở biển Baltic. Tuy nhiên, Ukraine không đồng ý với đề xuất này.
Ngày 9-12, Thứ trưởng Ngoại giao Belarus Yury Ambrazevich đã gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại New York - Mỹ. Ông Ambrazevich xác nhận Belarus không nêu điều kiện đối với việc cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh.
Tàu chở ngũ cốc tại cảng ở Odesa - Ukraine. Ảnh: Reuters
Ông Ambrazevich cũng nhắc lại yêu cầu của Belarus về xuất khẩu sản phẩm phân bón - vốn đang chịu lệnh trừng phạt, theo người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric.
Belarus là nhà sản xuất phân kali lớn trên toàn cầu nhưng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây trong giai đoạn 2021-2022. Hoạt động xuất khẩu phân bón của nước này qua các cảng ở biển Baltic sau đó bị gián đoạn.
Tháng 7 vừa qua, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine nhằm nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc qua biển Đen của Ukraine cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga.
Cũng liên quan tình hình Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-12 đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine.
Khoản viện trợ bao gồm rốc-két dành cho hệ thống pháo phản lực HIMARS, 80.000 quả đạn pháo 155 mm, xe quân sự Humvee và khoảng 150 máy phát điện. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng các thiết bị này "đang trên đường tới Ukraine".
Washington trước đó thông báo họ đang gửi 4 hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger sử dụng tên lửa Stinger và tên lửa đánh chặn HAWK cho Kiev.
Cùng ngày 9-12, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Kirby thông báo áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 tổ chức Nga - bao gồm Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga - với cáo buộc "mua máy bay không người lái (UAV) của Iran để sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
Washington tuyên bố Moscow đã mua vũ khí và UAV của Iran - vi phạm lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Ngược lại, Nga khẳng định tất cả vũ khí mà quân đội của họ sử dụng ở Ukraine đều đến từ kho dự trữ trong nước, đồng thời lên án Mỹ và các đồng minh châm ngòi xung đột bằng cách viện trợ quân sự cho Kiev.