Chiều tối 19-6, cơn mưa lớn gần 3 giờ tại TP Hà Nội đã khiến nhiều quận nội thành ngập nặng, giao thông tê liệt.
Khu vực phố cổ là nơi rất ít khi bị ngập nhưng cơn mưa trên đã khiến nhiều nơi tại đây ngập sâu 50-70 cm, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân bị đảo lộn.
Ngập do rác thải!
Lý giải về tình trạng này, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết sau cơn mưa ngày 19-6, có khu vực vũ lượng đo được hơn 70-100 mm, riêng quận Hoàn Kiếm lên tới hơn 138 mm.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa của nội thành Hà Nội chỉ có thể đáp ứng 310 mm cho 2 ngày hoặc 50 mm trong 2 giờ, do vậy việc xảy ra ngập úng là bất khả kháng.
Còn khu phố cổ là điểm tập trung kinh doanh nên có nhiều rác thải, theo dòng nước khi mưa đổ vào các hố ga thoát nước làm nghẽn miệng cống nên nước rút chậm, gây ngập úng.
"Khu vực phố cổ được bảo tồn nên không chịu ảnh hưởng của các hoạt động xây dựng. Hệ thống thoát nước của công ty vận hành bảo đảm an toàn theo đúng quy trình" - ông Sương khẳng định.
Theo ông Sương, khi có mưa, công ty đã huy động tổng lực công nhân ứng trực, thu vớt rác tại miệng cống, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông.
Huy động thiết bị cơ giới, xe bơm di động ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại nhiều vị trí.
Ngoài ra, tại thời điểm xảy ra các trận mưa lớn, cửa cống thủy lợi ở các hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa và đập Thanh Liệt đều được mở để điều hòa nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác cũng được vận hành tiêu thoát nước trên hệ thống.
Đại diện Phòng CSGT TP Hà Nội cho biết cơn mưa trên gây ngập 22 điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.
Mặc dù lực lượng CSGT đã huy động tối đa quân số tham gia phân luồng chống ùn tắc, bảo đảm an toàn cho người dân khi trời mưa lớn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng và giải quyết được ngay tình trạng này
Dự án kém hiệu quả
Phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm dù giai đoạn 2 của quy hoạch thoát nước Hà Nội cơ bản hoàn thành nhưng lượng mưa vượt gấp nhiều lần năng lực tiêu thoát thì tình trạng ngập nặng, ngập sâu vẫn có thể xảy ra ở nhiều khu vực nội thành.
Để hạn chế tình trạng ngập úng sắp tới, ông Sương cho biết công ty sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục tập trung cải tạo, nâng cao khả năng điều tiết của cụm các công trình đầu mối, hạn chế úng ngập, khai thác hiệu quả hệ thống hỗ trợ thoát nước cho lưu vực sông Nhuệ.
Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị đồng thời ảnh hưởng đến việc thoát nước. Huy động lực lượng công nhân sẽ túc trực tại các điểm ngập úng xử lý rác để nước nhanh thoát hơn.
Được biết, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 là dự án trọng điểm của Hà Nội, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của chính phủ Nhật Bản.
Với mục tiêu chống ngập úng do nước mưa cho đô thị vùng lõi của thủ đô trong lưu vực sông Tô Lịch (có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng) rộng 77,5 km2, bảo đảm tiêu thoát nước trong 10 năm, ứng với lượng mưa là 310 mm/2 ngày.
Dự án được khởi động từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 6.000 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2008 mới bắt đầu triển khai thi công.
Mục tiêu đưa vào sử dụng cuối năm 2014 nhưng trong quá trình triển khai bị vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ thi công và đội vốn lên hơn 8.000 tỉ đồng.
Xuất hiện 20 điểm ngập mới
Trước đó, theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, toàn TP vẫn còn 18 điểm có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn bất thường, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, mới đây trong báo cáo gửi lên UBND TP Hà Nội, công ty này cho biết ngoài 18 điểm ngập úng trên, qua cơn mưa tối 19-6 đã xuất hiện thêm 20 điểm ngập mới.