Chi hàng tỷ USD mua thiết bị bán dẫn từ nước ngoài, Trung Quốc có đang làm điều ngớ ngẩn?

Bảo Nam |

Tích trữ chất bán dẫn là một chuyện, nhưng dự trữ các loại máy móc phức tạp, giá thành cao để sản xuất ra chip lại là một chuyện đi kèm với rất nhiều rủi ro.

Năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã chi gần 32 tỷ USD để mua các thiết bị sản xuất chip từ các nhà cung cấp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nơi khác. Theo dữ liệu của Bloomberg, con số này tăng tới 20% ​​so với năm 2019.

Đặc biệt, SEMI - Hiệp hội công nghiệp bao gồm các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng thiết kế và sản xuất điện tử - dự báo tổng doanh số bán thiết bị chế tạo chip của các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho Trung Quốc đạt 18,1 tỷ USD vào năm ngoái, tăng so với mức 13,4 tỷ USD vào năm 2019.

Rõ ràng, tích trữ chất linh kiện bán dẫn để tự vệ trước các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ trong tương lai là một chuyện, nhưng dự trữ các loại máy móc phức tạp và có giá cao để chế tạo ra chip lại là chuyện khác. Đây là một động thái đi kèm với rất nhiều rủi ro và có thể mang lại kết thúc tồi tệ cho cả hai bên.

Mặc dù máy móc dự trữ được sử dụng để sản xuất, điều này có thể đúng với điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay, phương pháp này chưa chắc sẽ hiệu quả đối với các thiết bị chế tạo ra những tấm wafer có trị giá vài chục triệu USD mỗi chiếc. Và hành động này của Trung Quốc giống như cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp Coca-Cola bằng cách mua lại các nhà máy đóng chai, nhưng lại không có trong tay các thành phần "bí mật" cần thiết để tạo nên hương vị đặc trưng của loại nước giải khát này.

Chip bán dẫn và Coca-Cola

Chi hàng tỷ USD mua thiết bị bán dẫn từ nước ngoài, Trung Quốc có đang làm điều ngớ ngẩn? - Ảnh 1.

Các nhân viên làm việc trên một máy in thạch bản tại ASML - công ty Hà Lan hiện là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chip không giống như Coca-Cola. Nó không chỉ yêu cầu các thành phần bí mật - hóa chất, khí và thậm chí cả sóng ánh sáng - mà còn đòi hỏi những kỹ sư vận hành có tay nghề cao, những người biết và hiểu "công thức" phức tạp để đạt được thành phẩm. Và các công thức khác nhau này thậm chí còn tùy thuộc vào loại chip được làm ra.

Trong khi các nhân viên kỹ thuật nội bộ có thể được đào tạo về vận hành cơ bản của máy móc, các nhà sản xuất chip sẽ luôn cần sự hỗ trợ tại chỗ từ các OEM, nơi thiết kế và chế tạo máy ngay từ đầu.

Để minh họa lý do tại sao chỉ sở hữu máy móc sẽ không giúp ích gì, hãy xem trường hợp của Fujian Jinhua Integrated Circuit Co, một công ty khởi nghiệp về DRAM của Trung Quốc. Nó đã nhận được 5,65 tỷ USD tài trợ của chính phủ để xây dựng một nhà máy sản xuất các tấm wafer và trang bị cho nó những công cụ sản xuất chip mới nhất - bao gồm cả thiết bị từ các nhà cung cấp của Mỹ như Applied Materials và Lam Research. Nhưng sau khi Jinhua bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố vào tháng 11/2018 vì cáo buộc gián điệp kinh tế chống lại Micron Technology, Jinhua đã bị đưa vào danh sách đen và các công ty của Mỹ không được phép kinh doanh với nó.

Trong vòng vài ngày sau khi thông báo trên được đưa ra, Applied, Lam và các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài khác đã triệu tập các kỹ sư tại nhà máy ở Trung Quốc về, và số máy móc còn lại chỉ có thể ở trạng thái không hoạt động. Jinhua từ đó tới nay chưa bao giờ sản xuất được một thanh DRAM nào và hiện đã ngừng kinh doanh.

Khi tiền kiếm được quá dễ dàng

Nhờ vào việc bán hàng cho các nhà máy chip của Trung Quốc, các nhà cung cấp thiết bị bán dẫn mới đây đã công bố kết quả doanh thu hàng quý cao kỷ lục, thứ đã khiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt.

Applied Materials, nhà sản xuất công cụ sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, báo cáo 34% doanh số trong quý 4/2020 của họ là đến từ Trung Quốc, tăng từ 29% trong cả năm 2019.

Lam Research, một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Tập đoàn Sản xuất Vật liệu Bán dẫn Trung Quốc (SMIC), thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Theo tỷ trọng tổng doanh thu, mảng kinh doanh tại Trung Quốc đã tăng từ 16% trong năm tài chính 2018 lên 31% trong năm tài chính 2020 - và con số đó là 35% trong quý 4 năm ngoái.

Chi hàng tỷ USD mua thiết bị bán dẫn từ nước ngoài, Trung Quốc có đang làm điều ngớ ngẩn? - Ảnh 2.

Trụ sở tập đoàn SMIC đặt tại Thượng Hải.

Nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất Nhật Bản, Tokyo Electron, hiện bán nhiều thiết bị cho Trung Quốc hơn cả thị trường nội địa. Trong 3 quý cuối năm 2020, doanh số bán hàng của hãng sang Trung Quốc lên tới 2,1 tỷ USD.

Nhưng bữa tiệc này sẽ không kéo dài mãi mãi. Ngành kinh doanh thiết bị bán dẫn vốn có xu hướng bùng nổ và nhanh chóng phá sản. Trong khi những kẻ lọc lõi đã học được cách sống chung với sự lên xuống của thị trường, thì sự say mê mua sắm thiết bị của Trung Quốc đang thổi lên luống gió đầy hư ảo vào thị trường. Và khi mọi thứ kết thúc, những người bán hàng có thể sẽ phải hứng chịu một nỗi đau dài.

Chắc chắn, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang ở vào một thế khó. Đối mặt với lệnh cấm vận từ Mỹ, họ có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc tích trữ một số thiết bị bán dẫn từ nước ngoài vì sợ mất quyền sử dụng chúng trong tương lai do các yếu tố địa chính trị.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thực sự muốn đạt được mục tiêu trở nên độc lập với công nghệ bán dẫn, thì đáng ra số tiền mua sắm đó nên được chi tiêu tốt hơn cho nghiên cứu và phát triển. Nhưng lựa chọn này có thể sẽ mất khoảng thời gian tới hơn một thập kỷ và đó cũng sẽ là một quá trình hỗn loạn và đầy tốn kém khác, với nhiều thất bại đang chờ đợi.

Nhưng không chịu được đau đớn sẽ chẳng thể thành công.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại