Sáng 19/2 (tức rằm tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Ná Nhèm (Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) từng bừng diễn ra thu hút hàng nghìn người dân và du khách khắp nơi về theo dõi. Điều gây chú ý đặc biệt nhất là lễ rước Tàng Thinh - sinh thực khí của đàn ông.
Trước đó vào sáng sớm, lễ hội bắt đầu với việc ông Hoàng Minh Chuẩn (64 tuổi, lần đầu tiên giữ vị trí ông Mo của làng) đã làm lễ rước nước thánh từ giếng làng về đình.
Theo sử sách ghi chép cùng lời kể của ông Chuẩn thì Lễ hội được phục dựng từ năm 2012 sau 40 năm dừng tổ chức do chiến tranh và khó khăn. Trong lần cuối cùng lễ hội tổ chức, năm 1963 - người chủ trì lễ hội ngày đó là ông nội ông Chuẩn.
Sau khi lấy nước thánh về tới đình làng Mỏ, Tàng Thinh (sinh thực khí nam) được mở niêm phong bảo vệ ra. Mỗi năm Tàng Thinh lại được sơn một màu khác nhau, kích cỡ năm nay cũng khác các năm trước với chiều dài khoảng 1,3m, đường kính 20cm và được sơn màu hồng.
Nhiều chị em phụ nữ phấn khích chụp ảnh selfie. Theo ghi chép, các năm 2012 - 2015, Tàng Thinh chỉ to bằng cái phích nước, sau đó dần thay đổi to hơn và dài khoảng 1m.
Lễ hội cũng sẽ rước Mặt Nguyệt (sinh tử khí của phụ nữ) được trang trí rực rỡ như Tàng Thinh. Mặt Nguyệt có hình tròn và được đan từ hai mặt nan hình tròn bầu dục như quả trứng, đường kính khoảng gấp rưỡi chiếc mâm cơm.
Tất cả các thanh niên trong làng tham gia lễ rước đều bôi nhọ nồi hoặc than đen trên mặt. Tên lễ hội "Ná Nhèm" trong tiếng Tày nghĩa là "mặt nhọ", cách hiểu dễ nhất theo nghĩa đen thì đúng như tên gọi từ xưa tới nay.
Trong khi tại đình đang tất bật làm lễ cúng chuẩn bị, 4 người đàn ông được chọn đóng làm tướng quân phải đi xa ra mỏm đá cổ cách đình 200m ở phía Đông để hoá trang.
Với 2 tướng quan võ và 2 tướng quan văn, họ cũng bôi nhọ nồi đen kín mặt giống như trai tráng rước kiệu và thanh niên đóng vai lính tráng. 4 người đàn ông này cũng được các Lềnh (những người cao tuổi có uy tín trong làng) chọn từ thôn nằm ở phía Đông của đình làng Mỏ, chủ yếu mang họ Hoàng chứ không phải họ Bế.
Sau khi hoá trang xong, các tướng phải ngồi chờ cho tới lúc lễ rước rời khỏi đình, sau đó mới ẩn mình vào đám đông, mang quân tiến vào tập kích, bảo vệ lễ rước an toàn tới đền thờ Vua.
8h30 sáng, các thanh niên lực lưỡng mặt nhọ trong làng khiêng Tàng Thinh, Mặt Nguyệt ra khỏi đình làng, chuẩn bị cho lễ rước về miếu thờ Vua cách đó không xa. Bắt nguồn từ lịch sử, khi triều Mạc thất thủ, dòng họ Mạc phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của vua Lê và chúa Trịnh và di cư lên Trấn Yên (Lạng Sơn) sinh sống. Họ Hoàng và họ Bế (gốc họ Mạc trước đây) rước sinh thực khí nam nữ đi cung tiến cho đức Vua của mình. Giờ đây, con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt lòng tưởng nhớ nguồn cội và mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh.
Mặc dù lễ vật rước gồm nhiều thứ khác nhau nhưng Tàng Thinh vẫn thu hút được đông đảo người xem nhất.
Theo tích ghi lại, việc rước biểu tượng sinh thực khí là để ghi nhớ nguồn gốc của hai họ Hoàng, Bế tại Trấn Yên là gốc Mạc và mong muốn con cháu sinh sôi nảy nở, duy trì phát triển dòng họ.
Sau khi đoàn rước rời đình làng, các tướng bắt đầu xuất trận, bảo vệ lễ rước. Từ mỏm đá chạy luồn lách qua cánh đồng rồi bất ngờ xuất hiện giữa đám đông.
4 tướng chia làm hai nhóm, một nhóm hộ tống 2 sinh thực khí, nhóm còn lại hộ tống các loại nông sản. Mỗi đoạn đường các tướng dùng các cành cây để quét sạch đường đi, rước lễ dâng tới Vua.
Binh lính phía sau sẽ đánh trận giả diễn lại cảnh đánh giặc của cha ông trước đây. Chiếc mặt đầy nhọ nồi cũng là để đánh lạc hướng những linh hồn giặc, sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng thất bại của họ để về mà bắt cũng như gieo dịch bệnh, tai họa...
Lễ hội ban đầu bị nhầm tưởng với việc vay mượn văn hoá từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, tuy nhiên đây là một lễ hội mang đậm nét văn hoá gốc Việt và năm 2015 lễ hội Ná Nhèm đã chính thức được công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
Dọc đường đi, không chỉ các chị em có tuổi bạo dạn tiến sát Tàng Thinh chụp ảnh cùng mà còn nhiều bạn nữ trẻ xinh đẹp cũng không ngượng ngùng. Họ coi đó là may mắn trong năm mới.
Lễ vật sau khi đi quãng đường dài được dâng lên Vua tại miếu Xa Vùn - Thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh. Sau đó dân làng sẽ tổ chức khai hội, vui chơi múa hát từng bừng trong một ngày và kết thúc bằng việc rước 2 sinh thực khí quay trở về đình vào cuối ngày.