Trang tin quân sự IHS Jane’s vừa trích dẫn các nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, các lời phàn nàn của Ấn Độ về chiếc MiG-29K/KUB chủ yếu đến từ việc hãng sản xuất RSK-MiG của Nga không thể bàn giao máy bay hoàn chỉnh với các tính năng như đã cam kết trong thiết kế.
MiG-29K là mẫu máy bay chuyên được sử dụng trên tàu sân bay
Đại diện từ phía Ấn Độ đã tiết lộ rằng, vấn đề trên gặp phải do Nga đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như Ukraine, mà các máy bay MiG-29K trên lại sử dụng rất nhiều linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.
Hiện nay phía Ấn Độ đang tìm cách nhập khẩu linh kiện trực tiếp và lắp đặt ngay cho những máy bay MiG-29K của mình tại khu thử nghiệm ở bang Goa của nước này.
Mig-29K là một biến thể hiện đại hơn nhiều của phiên bản MiG-29 thường. Do là một mẫu máy bay sử dụng trên tàu sân bay, thân máy bay của nó được gia cố tốt hơn và trang bị cánh gập để thu gọn diện tích khi xuất hiện trên boong. MiG-29K từng không được Nga để ý tới, nhưng dự án này đã hồi sinh sau khi Ấn Độ tỏ ý muốn mua nó để phục vụ trên các tàu sân bay của mình.
Hiện nay, phía Ấn Độ đã sử dụng khoảng 16 chiếc MiG-29K trên tổng số 45 chiếc đặt hàng từ Nga.
Phiên bản MiG-29KR mà Nga tự sản xuất cho mình khác với mẫu MiG-29K bán cho Ấn Độ ở việc nó đã thay thế hoàn toàn các linh kiện nhập khẩu bằng loại có nguồn gốc nội địa.
Về các vấn đề của tàu sân bay INS Vikramaditya, các chuyên gia Ấn Độ cho biết, nó hiện nay vẫn thiếu các công cụ nhằm hỗ trợ máy bay hạ cánh ở các trường hợp bất thường. Đây là chiếc tàu thuộc lớp Kiev cũ của Nga, từng có tên Đô đốc Gorshkov nhưng đã được bán lại và gia nhập hải quân Ấn Độ vào năm 2013.
Việc Ấn Độ chê vũ khí Nga có thể là một cách để quốc gia này tạo sức ép, buộc Moscow phải chuyển giao công nghệ, vũ khí hiện đại cho mình. Phía Nga sẽ phải cân nhắc điều này nếu muốn giữ chân Ấn Độ, quốc gia đang vươn lên thành cường quốc quân sự rất mạnh và đang đầu tư rầm rộ vào vũ khí.
Đặc biệt, chê vũ khí Nga cũng có thể là một cái cớ để Ấn Độ tìm đến các đối tác khác, nhất là Mỹ. Mới đây, sau một cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra tại Nhà Trắng, Mỹ trong một tuyên bố đã công nhận Ấn Độ là “Đối tác quốc phòng chính” - một vị thế được đưa ra trùng đúng với thời điểm đánh dấu mức độ hợp tác quân sự Mỹ-Ấn đang lên cao chưa từng có.
Theo một quan chức của chính quyền Tổng thống Obama, “Ấn Độ hiện tại đang được hưởng khả năng tiếp cận công nghệ quân sự ngang bằng với các đồng minh theo hiệp ước của Mỹ. Đó là một vị thế có một không hai. Ấn Độ là nước duy nhất hiện giờ được hưởng vị thế như vậy mà không phải ký một hiệp ước đồng minh chính thức”.
Vị quan chức giấu tên của Mỹ ước tính, khả năng của Ấn Độ trong việc tiếp cận với công nghệ quân sự và vũ khí của Mỹ hiện giờ đã lên mức 99%.
"Trên thực tế, chưa đầy 1% trong tổng số vũ khí không được phép xuất khẩu. Đó không phải là chỉ đối với Ấn Độ mà đối với cả toàn cầu. Chúng tôi không chia sẻ một số công nghệ vũ khí nhất định với bất kỳ ai trên thế giới này”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.