Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa được cơ quan chủ quản chấp thuận chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), tuy nhiên giới đầu tư đã chạy đua gom cổ phiếu này trước khi lên sàn khiến giá tăng ngất ngưởng.
Giá tăng chóng mặt
Cơn sốt cổ phiếu bia được thổi bùng lên sau khi cơ quan quản lý yêu cầu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Sabeco cho biết thủ tục lên sàn phải mất tối thiểu 2 tháng.
Tuy nhiên, trên sàn OTC, lượng chào mua cổ phiếu Sabeco tăng đột biến và mức giá chào mua cũng tăng mạnh. Đặc biệt, kể từ ngày 20/9, cổ phiếu Sabeco được chào bán với giá tăng chóng mặt sau khi Sabeco chủ động gửi văn bản xin niêm yết trên HOSE.
Cụ thể, giá chào bán đã tăng lên trên 100.000 đồng một cổ phiếu. Đặc biệt, các lệnh với số lượng lớn, giá chào bán có thể lên 110.000 đồng một cổ phiếu.
Trong khi đó, giá chào mua dao động ở mức 80.000 - 100.000 đồng. Khối lượng chào bán cũng khá nhỏ giọt, có giao dịch chỉ vỏn vẹn 1.000 cổ phiếu, lượng cung không đủ lượng cầu cho thị trường khiến cuộc chạy đua mua cổ phiếu trước khi lên sàn càng khốc liệt.
Việc tăng giá mạnh của cổ phiếu Sabeco được cho là nhằm đón sóng trước khi cổ phiếu này lên sàn. Đây là mức tăng khá mạnh, tăng trên 30% bởi trước đó 1 tháng giá cổ phiếu này chỉ ở mức hơn 60.000 đồng.
Theo mức giá tham chiếu trên sàn OTC, Sabeco có vốn hoá vượt 71.000 tỷ đồng (tương ứng 2,7 tỷ USD). Với mức vốn hoá này, ngay lập tức lên sàn Sabeco sẽ được xếp vào câu lạc bộ những doanh nghiệp tỷ "đô".
Cuộc chạy đua mua cổ phiếu nóng bỏng bởi lượng cổ phiếu lưu hành tự do chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, cổ đông lớn nhất của Sabeco vẫn là Nhà nước với gần 89,6% cổ phần.
Phải có tiềm lực lớn
Việc thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco là nội dung trong nhiều cuộc họp của Thủ tướng và Bộ Công Thương với tinh thần "Chính phủ không đi bán bia, bán sữa".
Riêng lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt thứ 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Việc bán vốn này được nhiều nhà đầu tư mong đợi. Trên thị trường rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đánh tiếng muốn mua lại cổ phần của Sabeco - hãng bia lớn nhất của Việt Nam nắm tới 40% thị phần.
Phần vốn nhà nước 89,6% tại đây đang được một loạt nhà đầu tư để mắt đến. Cụ thể như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings (Nhật Bản), Anheuser-Busch InBev (Bỉ).
Và tất nhiên cũng có một tên tuổi đến từ Thái Lan là Boon Rawd Brewery. Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (Thaibev) đã từng định giá 2 tỷ USD cho 40% cổ phần của Sabeco.
Với khối lượng thoái vốn lớn đòi hỏi đối tượng mua là các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế khiến cho các doanh nghiệp nội bị thất thế trước các đối thủ nước ngoài.
Tổng giám đốc Sabeco, Lê Hồng Xanh cho biết đối tác nội hay ngoại phải theo sự phê duyệt của Chính phủ vì Sabeco là doanh nghiệp nhà nước - thương hiệu thương hiệu lâu đời của Sài Gòn nên việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng được xem xét kỹ dựa trên nhiều tiêu chí đề ra.
Tuy nhiên, vị này cho biết đã có tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược, phù hợp với sự phát triển của Sabeco sau này nhưng chưa tiết lộ từng tiêu chí cụ thể.
Gần đây có nhiều quan điểm về việc nên bán cổ phần Sabeco cho nhà đầu tư nội, thậm chí là phải tạo cơ chế ưu đãi cho cổ đông nội để mua cổ phần Sabeco vì lý do e ngại sẽ mất thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên lại có luồng ý kiến cho rằng không ai dại gì bỏ tiền mua xong lại đi xóa sổ thương hiệu.
Trao đổi với một lãnh đạo Sabeco, vị này nêu quan điểm, cổ đông nội nào muốn sở hữu Sabeco chắc chắn sẽ phải nguồn có tài chính cực lớn nếu không muốn nói là “khủng khiếp” thì mới có thể chịu nổi.
Ví dụ, trước đây Sabeco IPO thành công ở giá 70.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá gần 40.000 tỷ đồng. Đây là mức giá tạm tính bởi thị trường đang định giá cổ phiếu ở mức rất cao.
“Góp gạo thổi cơm chung”
Tuy nhiên, không ngoại trừ việc các nhóm nhà đầu tư có thể "góp gạo thổi cơm chung" để mua được cổ phần của Sabeco.
Vị lãnh đạo này lưu ý, việc các nhà đầu tư nội có muốn mua Sabeco thật hay không hay chỉ là bình phong đứng tên hộ cho các tập đoàn nước ngoài, hay đơn giản là đầu tư kiểu lướt sóng sau đó bán lại cho nước ngoài như cái cách mà Heineken đã thâu tóm được 5% cổ phần của Sabeco trước đây.
Trước đây có chủ trương không bán cổ phần Sabeco cho nước ngoài để giữ thương hiệu nên các tập đoàn trong nước đăng ký khá nhiều, tuy nhiên hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo là không phân biệt, mà chọn đối tác phù hợp.
Chuyện một vài đại gia hỏi mua Sabeco những năm trước đây nhưng giờ nói không mua nữa cũng là chuyện rất bình thường bởi có thể họ không nhìn thấy cơ hội kiếm lời từ việc đầu tư vào Sabeco.
"Trước đây Masan đúng là rất quan tâm Sabeco, nhưng thay vì đổ hàng chục nghìn tỷ để mua thì họ quyết định làm luôn Bia Sư tử trắng sau đó thì bán luôn 30% cho Bia Singha (Thái Lan) thu về cả trăm triệu USD.
Vingroup cũng được cho là có ý định trở thành đối tác vì quỹ đất dồi dào của Sabeco", vị này cho hay.
Theo vị lãnh đạo này, Sabeco và Chính phủ hiểu rất rõ về giá trị thương hiệu và đang lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với Sabeco bởi vấn đề không chỉ ở việc bán được giá cao nhất mà còn là phát triển hãng bia lớn nhất nước.
Theo đó, các doanh nghiệp ngoại, quỹ đầu tư nước ngoài mua thì sẽ đảm bảo về nguồn lực tài chính.
"Nếu nói họ xóa sổ thương hiệu cũng không đúng mà phát triển thương hiệu nội địa cũng không phải.
Ví dụ khi Carlsberg mua lại Huda (Huế) hay Halida (Hà Nội)… họ đâu có xóa nó, bản chất đúng là không ai lại đi xóa sổ những con gà đẻ trứng vàng cái họ cần là chiếm lĩnh hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ.
Hệ thống phân phối của Bia Sài Gòn trải đến 64 tỉnh thành cả nước, nếu tính điểm bán lẻ thì ngang ngửa Vinamilk, một hãng bia bình thường có đổ hàng nghìn tỷ cũng không thể làm nổi việc này. Thực tế cho thấy rất nhiều hãng bia vào Việt Nam rồi cũng thất bại ra đi như Forster, SabMiller trước đây”, ông nói.
Sabeco có doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 14.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.971 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 18.130 tỷ đồng.
Ngoài giá trị thương hiệu, thị phần đang nắm giữ, Sabeco còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi kênh phân phối bán lẻ, các khu đất vàng nổi tiếng dù chỉ là hợp đồng thuê dài hạn.