Châu Âu đau đầu vì hậu quả của "vị cứu tinh" giúp chiến thắng ngoạn mục cơn khát khí đốt Nga

Hữu Hiển |

Một mùa đông ấm áp vừa qua với tương đối ít tuyết có nghĩa là ít nước chảy vào các con sông của châu Âu hơn khi mùa hè đến. Điều này sẽ đòi hỏi người châu Âu phải suy nghĩ lại về hoạt động sản xuất điện hạt nhân và thủy điện.

Châu Âu đau đầu vì hậu quả của vị cứu tinh giúp chiến thắng ngoạn mục cơn khát khí đốt Nga - Ảnh 1.

Một mùa đông tương đối ôn hòa đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trong mùa đông vừa qua, nhưng chính thời tiết ấm áp hiện đang đe dọa hệ thống năng lượng theo những cách khác.

"Hiện tại, chúng tôi đang ở một vị thế thoải mái hơn so với dự kiến vào đầu mùa đông: giá xăng giảm hơn 80% so với mức cao nhất trong tháng 8/2022 và mức lưu trữ cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái" , Gergely Molnar - nhà phân tích khí đốt tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - nói với phóng viên kênh DW.

"Nhưng thận trọng là điều cần thiết", ông Molnar nói thêm.

"Thị trường khí đốt châu Âu và toàn cầu vẫn còn mong manh. Bất kỳ rủi ro ngoại sinh nào cũng có thể khiến chúng mất ổn định. Năm nay, hệ thống [năng lượng] không còn nhiều tính linh hoạt" , Molnar giải thích.

Theo một phân tích của IEA, nhu cầu khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 13% so với cùng kỳ vào năm 2022, mức cao nhất được ghi nhận. Trong khi đó, thủy điện, được tạo ra do nước chảy vào tua-bin, đã giảm 18% vào năm 2022. Nếu không có sự sụt giảm này, châu Âu thậm chí có thể tiết kiệm được nhiều khí đốt hơn, một điều cần thiết sau khi nhà sản xuất năng lượng chính là Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho khối này vào năm ngoái.

Châu Âu đau đầu vì hậu quả của vị cứu tinh giúp chiến thắng ngoạn mục cơn khát khí đốt Nga - Ảnh 2.

Sản lượng thủy điện ở châu Âu giảm vào năm 2022 có nghĩa là cần nhiều khí đốt tự nhiên hơn để lấp đầy khoảng trống. Ảnh: Picture alliance

Ít thủy điện hơn nghĩa là cần nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn

Ông Molnar cho biết, sản lượng thủy điện giảm dẫn đến tiêu thụ khí đốt tăng. Trong lịch sử, thủy điện là nguồn điện tái tạo lớn thứ hai của châu Âu, cung cấp 17% điện năng của EU vào năm 2020.

Theo ông Molnar, hiện tại, lượng nước trong các hồ chứa ở châu Âu cao hơn gần 15% so với mức được ghi nhận vào năm 2022, bất chấp mùa đông khô hạn ở Pháp và ít tuyết ở dãy Alps.

"Nhưng mực nước hồ chứa có thể dao động đáng kể. Có rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh sản lượng thủy điện", ông Molnar giải thích.

Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) cho biết, cần đầu tư đáng kể cho các công trình nước để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời đóng vai trò như các công cụ giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Alex Campbell - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chính sách của IHA - nói với phóng viên kênh DW: “Nhu cầu về tính linh hoạt ở cấp độ lưới điện sẽ chỉ tăng lên cùng với sự phát triển của công nghệ năng lượng mặt trời và gió.”

Ông Campbell cũng nói thêm rằng, cơ sở hạ tầng mới có thể giúp quản lý lũ lụt và hạn hán vào mùa hè.

Châu Âu đau đầu vì hậu quả của vị cứu tinh giúp chiến thắng ngoạn mục cơn khát khí đốt Nga - Ảnh 3.

Những người trong ngành cho biết cơ sở hạ tầng để quản lý lũ lụt và hạn hán có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ảnh: IMAGO

Nhiệt độ nước đe dọa năng lượng hạt nhân

Mực nước thấp hơn và nhiệt độ nước cao hơn trong mùa hè cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất điện hạt nhân, vì nước sông thường được sử dụng để xử lý quá trình thải nhiệt hạt nhân.

"Nếu nhiệt độ của các con sông vượt quá một số mức nhất định, nó có thể ảnh hưởng đến các cơ sở hạt nhân. Chúng tôi đã thấy điều đó vào năm ngoái và cả những năm trước, cả ở Pháp và Bỉ" , ông Molnar nói.

Nhà phân tích của IEA cho biết: “Sông cũng là trung tâm vận chuyển than. Một khi mực nước sông Rhine giảm xuống, nó có thể gây ra các vấn đề hậu cần cho các nhà máy than, nhưng các nhà khai thác than thường có hàng dự trữ, vì vậy mực nước thấp không trở thành vấn đề ngay lập tức.”

Châu Âu đau đầu vì hậu quả của vị cứu tinh giúp chiến thắng ngoạn mục cơn khát khí đốt Nga - Ảnh 4.

Các nhà máy năng lượng hạt nhân cần nguồn nước mát lớn để quản lý việc thải nhiệt thải hạt nhân. Ảnh: Picture alliance

Khó dự đoán về hiện tượng tuyết tan

Carlo Buontempo - Giám đốc Chương trình Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) - cho biết, những xu hướng dài hạn này đòi hỏi sự theo dõi và suy nghĩ lại sâu sắc về các hệ thống năng lượng. Tháng 1/2023 là tháng 1 nóng thứ ba được ghi nhận ở châu Âu.

"Năm 2022 là một trong tám năm nóng nhất, và bảy năm còn lại đều xảy ra trong tám năm qua. Mùa đông ở châu Âu đang trở nên ấm hơn và kéo theo những hậu quả", ông Buontempo nói.

Theo ông Buontempo, tính toán về hiện tượng tuyết tan là một việc không hề đơn giản. Tuyết tích tụ vào mùa đông nên có sẵn vào mùa hè. Nhưng trong 30 năm qua, độ dày băng của các sông băng ở châu Âu đã giảm trung bình 30 mét. Lượng tuyết, bao gồm tuyết trên sông băng và trên núi, cũng đáng báo động không kém đối với mực nước trong tương lai.

"Năm nay, chúng ta ở trong một tình huống khác với năm ngoái. So với năm ngoái, có thêm một thách thức: chúng ta vừa trải qua một năm khá khô hạn, nhiều khu vực của châu Âu vẫn đang trong tình trạng cận hạn hán" , ông Buontempo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại