Tuổi thơ với bốn bức tường
"Thật khó để tôi có thể kể về tuổi thơ mình. Tôi chưa từng được chạy nhảy trên những thảm cỏ xanh, được leo trèo đung đưa trên cành cây vắt ngang hiên hiên nhà, được thả mình trên những dòng sông quê hương. Từ nhỏ, tôi đã biết cuộc sống của mình chỉ diễn ra trong bốn bức tường, với sự âu lo của mẹ dành cho đứa con trai bé bỏng", anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nói.
Mẹ ruột của anh Nguyễn Văn Tâm
Từ khi còn trong bụng mẹ, bác sĩ đã chẩn đoán anh mắc dị tật về cấu trúc xương. Tâm luôn biết ơn mẹ đã cho anh hiện hữu trên cuộc đời này, bằng sự dũng cảm mà không phải ai cũng có được của bà.
Tâm nghẹn ngào nói: "Mẹ không đồng ý phá thai, vẫn giữ để cho tôi được chào đời. Chắc hẳn, mẹ đã khóc rất nhiều khi thấy hình hài của tôi. Tôi chẳng thế đi cũng không thể ngồi. Chân tay tôi co quắp, đốt sống bị biến dạng. Có những đêm, nước mắt mẹ lăn dài trên gò má, bà bồng tôi chạy chữa khắp nơi nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh".
Đối với Tâm, mẹ là người cho anh biết thế giới ngoài kia diễn ra như thế nào. Sau mỗi buổi đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bà vẫn bồng anh ra ngoài. Đằng đẵng mười mấy năm trời, mẹ chưa hề có một lời than vãn, luôn dành cho anh những thương yêu đong đầy nhất.
Năm Tâm lên 7 tuổi, các anh chị trong nhà mang tập vở về dạy anh đánh vần. Khi quen mặt chữ, Tâm cầm bút viết ra giấy, những con chữ cứ xiêu vẹo nhưng lại khiến mẹ vui chảy nước mắt. Dần dà, Tâm đọc được những mẩu tin trên TV, dòng đơn giản chạy ngang màn hình máy tính, hiểu được thông điệp trên sách, báo...
Tâm chia sẻ: "Có mấy lúc, tôi cũng tủi thân lắm chứ. Tôi ngồi trong nhà và nhìn các bạn đồng trang lứa đi đó đi đây. 18 tuổi, người ta đi thi Đại học, tôi vẫn ngồi ở nhà, mọi sinh hoạt đều phải nương nhờ vào người thân. Mẹ cũng động viên tôi rằng, cuộc sống của mỗi con người là khác nhau. Dù tôi có thiệt thòi về bề ngoài nhưng bù lại tôi được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người".
Vực dậy tình yêu âm nhạc
Có những lúc, Tâm buộc phải ở nhà một mình khi mọi người đều đã đi làm. Anh thường xuyên nghe nhạc. Đối với Tâm, đây là niềm vui giúp anh yêu cuộc đời này hơn.
"Tôi được người anh họ cho chiếc điện thoại, đó là lần đầu tiên trong đời tôi sở hữu một thứ gì đó cho riêng mình. Tôi tập tành làm video. Ban đầu tôi dùng loa kẹo kéo để mở beat và nhờ cháu gái quay giúp, con bé chỉ mới 11 tuổi nhưng rất thông minh.
Tôi vốn rất mặc cảm nên chỉ quay video có tiếng, không có hình. Trong lần tình cờ, tôi xem được đoạn video của chị Phương Ý (Quán quân Thần tượng Bolero 2019) và thấy vô cùng thích thú.
Từ một thằng bé tự ti, gói ghém cả cuộc đời mình trong 4 bức tường, tôi dám đăng video mình hát lên mạng. Chính bản thân tôi cũng không ngờ nó đã viral và được nhiều người yêu mến đến vậy.
Ban đầu, tôi cũng hiểu rằng mọi người xem để ủng hộ cho một chàng trai khuyết tật. Nói thật, tôi có buồn một chút nhưng nghĩ tích cực hơn, đó là cách để mọi người nhớ đến mình", Tâm nói.
Anh Tâm khi còn nhỏ
Thấy Tâm có được niềm vui sống sau thời gian chôn chặt mình bởi sự mặc cảm, mẹ anh lại rất vui. Bà biết việc anh muốn được lên sân khấu nhưng vấn đề đi lại là vô cùng khó khăn.
Mỗi lần có chương trình âm nhạc, dù là rất nhỏ, bà luôn cố gắng để đưa Tâm đi. Có đoạn đường, mẹ Tâm phải thở dốc, phải dừng lại nghỉ mệt nhưng vẫn luôn tươi cười và động viên con.
Tâm xúc động nhớ lại: "Mẹ tôi rất yếu nhưng vẫn bế tôi đi khá xa để tôi được lên hát. Lúc cầm được những đồng tiền đầu tiên trên tay, tôi đã vô cùng xúc động và gửi cho mẹ. Cuộc đời bà là chuỗi ngày quần quật làm việc đêm ngày, quên đi bản thân mình. Mẹ tôi hiếm rơi nước mắt, nhưng khi nhắc đến chuyện sinh ra tôi, chuyện tương lai mai sau của tôi, bà lại oà lên như một đứa trẻ.
Tôi không muốn trở thành gánh nặng của mẹ nên luôn dặn lòng phải sống vui vẻ, yêu đời. Tôi không có một hình hài lành lặn, tôi chỉ có thể cố gắng làm tâm hồn mình không khiếm khuyết mà thôi".
Kênh YouTube đạt được nút bạc của Tâm chỉ xoay quanh một nội dung: Âm nhạc. Giọng hát của chàng trai khuyết tật chỉ có thể nằm ấy đã lay động trái tim của nhiều khán giả. Theo Tâm chia sẻ, công việc này đã cho anh có thêm chút thu nhập để đỡ đần cho mẹ. Và hơn hết, anh đã vượt qua được bóng tối của sự mặc cảm, biết hướng về phía trước.
"Tôi muốn làm mẹ ngừng rơi nước mắt và tự hào", Tâm mỉm cười nói.